Chứng chỉ ISTQB, ISTQB Certificate

Kinh nghiệm thi ISTQB CTFL V4.0

❤️ Mình vừa thi đạt chứng chỉ ISTQB CTFL V4.0 qua nền tảng Brightest vào chiều Thứ 2 (27.11.2023) nên chia sẻ một số kinh nghiệm về quá trình học tập của mình để tiếp thêm động lực cho bạn nào đang trong giai đoạn tương tự.

Nói một xíu về bản thân, xuất thân của mình không phải là dân công nghệ thông tin – mọi người hay gọi là non-IT. Cách đây 2 năm, qua một số bạn bè mình đã đăng ký học một khoá Fresher Tester và đã đi làm thực chiến từ đó. Mình cũng không được “thông minh” lắm nên đã xin học lại lớp Fresher Tester 2 lần (hoàn toàn miễn phí). Giai đoạn đầu đi làm tester, tuy gặp nhiều khó khăn trong công việc nhưng nhờ những kiến thức và những góp nhặt từ các ví dụ thực tế được anh Sơn với chị An đã chia sẻ trong lớp đã hỗ trợ mình khá nhiều.

Chỉ có một mình mình là tester trong nhóm nên đôi khi cũng gọi riêng anh Sơn vào giờ trưa để hỏi thêm kinh nghiệm kiểm thử và cách xử lý vài vấn đề từ việc phân tích user story để hiểu chương trình, rồi thiết kế test case sao cho hợp lý vì không được phép dành nhiều thời gian cho việc này, và còn phải điều chỉnh tư duy làm việc với nhóm toàn Dev, v.v… thế nên (trộm vía) là tạm thời mình chưa bị Dev ‘anti’ hay cô lập.

Khi công việc dần ổn định, mình quyết định nâng cấp kiến thức bằng cách đăng ký khoá ISTQB CTFL – Khoá IK55 là khoá đầu tiên TVN dạy theo phiên bản mới V4.0. Thời gian học là cả ngày Chủ nhật nên mình chỉ cần chủ động sắp xếp việc cá nhân để tập trung cho việc học thôi.

Kinh nghiệm học ISTQB

Phần chia sẻ kinh nghiệm học và luyện thi ISTQB CTFL V4.0 bên dưới có thể tập trung vào hai thứ:

  1. Sách chi tiết do Testing VN cấp khi đăng ký học – Rất dày!
  2. Ứng dụng ISTQB Q-Boost – Anh Sơn đề xuất trong lớp để làm bài tập sau mỗi chương

Do tiếng Anh của mình không được tốt lắm nên đầu tiên mình lên mạng tìm tài liệu học lại ngữ pháp Tiếng Anh cơ bản và các từ vựng mới (trong syllabus và sách của anh Sơn ghi mà mình không hiểu nghĩa). Có thể bạn đã biết rồi, nhưng mình vẫn xin nhắc lại là tài liệu học và khi đi thi là 100% tiếng Anh – Trong quá trình thi online thì cũng không thể tra từ điển hay tìm kiếm gì được nha. Nếu tiếng Anh không tốt như mình thì tối thiểu cũng cần phải “hình dung” được câu hỏi đó nó đang nói về cái gì thì mới có thể thi chứng chỉ ISTQB quốc tế được.

Cách học từ vựng tiếng Anh

Với ngữ pháp căn bản, bạn chỉ cần nắm được 3 thì cơ bản: hiện tại đơn, quá khứ đơn, và tương lai. Thể loại câu thì cần hiểu được câu chủ động và câu bị động – Trong syllabus (đề cương) sử dụng nhiều thì bị động lắm, ví dụ như “Anomalies are analyzed to identify their likely causes.” Về cách học từ vựng thì mình gom nhóm các từ có liên quan với nhau trong các hoạt động kiểm thử và đồng nghĩa, trái nghĩa 👉học một lúc cho nó dễ thuộc. Với những cặp từ mà khi thêm vào trước nó 1 từ thì lại trái nghĩa như dependenceindependence, thì mình nhớ cả cặp để khi đọc câu hỏi hay đáp án có những từ này thì mình sẽ dựa vào từ phía trước này để đoán câu này mang hàm ý khẳng định hay phủ định. Một số từ cần lưu ý khi gắn vào một danh từ động từ thì sẽ làm cho từ đó mang nghĩa ngược lại: dis-, il-, im-, in-, miss-, non-, và un-.

⚠️ Lưu ý: cách ghi nhớ này không khoa học đâu nha các bạn, nhưng vì tiếng Anh mình không được tốt lắm nên phải tìm cách 😭

Học từ vựng tiếng Anh

Cách học kiến thức ISTQB

Về cách học và nhớ nội dung kiến thức thì cơ bản mình theo các bước sau:

  1. Đọc trước nội dung trong sách – nhận được khi đăng ký học, tra từ điển ghi nháp vào
  2. Trong buổi học thì tập trung nghe giảng để hiểu – nhớ được gì thì nhớ
  3. Sau mỗi chương mình nháp lại nội dung cơ bản theo sơ đồ tư duy (mind map)
  4. Làm bài tập theo chương để nhớ lại nội dung trong chương đó

Trong giờ học, mình tập trung nghe giảng và hạn chế ghi chú (không nên ghi nhiều nha các bạn, anh Sơn nói nhiều và nói nhanh lắm nên ghi 1 câu là bỏ lỡ 5 câu đó nha). Mình học được cách ghi chú bằng sơ đồ tư duy, ít chữ mà lại hiệu quả. Trong quá trình luyện đề, chỗ nào không nhớ thì mang bí kíp ra xem những ý chính – Trong tập nháp này mình cũng chỉ nhanh đến đoạn nào trong video mà anh Sơn có nhắc đến kiến thức đó.

Mặc dù có video ghi lại mỗi buổi học, tuy nhiên bản thân mình thấy tham gia học trực tiếp thì thú vị hơn, giúp suy nghĩ nhiều hơn do anh Sơn hay hỏi – Vì thế cần sự tập trung nhiều hơn. Trong quá trình học online (trực tuyến) nếu không hiểu chỗ nào mình có thể tương tác hỏi ngay vấn đề đấy. Trong lớp có nhiều anh chị với nhiều năm kinh nghiệm và đang làm việc ở nhiều nơi khác nhau thì mình cũng học được nhiều “case study” (tình huống thực tế được mang ra mổ xẻ, thảo luận) khác nhau – Đây có thể nói là phần giúp mình có thêm nhiều kinh nghiệm làm việc nhất.

Nháp theo kiểu mind map sẽ dễ hơn

Luyện đề thi ISTQB

Như mình đã đề cập ở trên, ngoài ứng dụng ISTQB Q-Boost trên điện thoại, anh Sơn còn gửi cho nhiều câu hỏi trực tuyến bằng hình thức Google form. Mình tranh thủ thời gian trong tuần để làm bài tập theo chương đã học. Mỗi ngày chỉ tập trung làm khoảng 20 câu thôi, riêng mấy tuần gần thi thì mình làm nhiều hơn do phải ôn lại từ Chương 1.

Một tuần trước ngày thi, mình đã tập trung giải đề tổng hợp. Mỗi ngày mình làm ít nhất một đề đầy đủ (40 câu rải đều 6 chương) để làm quen với thời gian làm bài thi (thời gian thi là 75 phút) mình nghĩ cũng cần rèn luyện cho não tập trung suy nghĩ liên tục trong một thời gian dài. Không có mẹo thi nào ngoài việc nắm lý thuyếtlàm quen các dạng bài tập cả 😆

Cách đăng ký thi ISTQB online

Khi đăng ký học tại Testing VN, bọn mình sẽ được tặng voucher 50USD khi thi qua nền tảng Brightest – Một công ty của Đức. Bạn Shanna (người Việt Nam sống ở Đức) làm việc tại Brightest đã hướng dẫn rất nhiệt tình nên trong quá trình đăng ký tài khoản trên Brightest và Pearson Vue và cách áp mã voucher không gặp vấn đề gì.

Mình đăng ký thi online (trực tuyến) qua máy tính, anh Sơn có nói nếu thi tại nhà thì khi gặp vấn đề về rớt mạng hay cúp điện sẽ khó khăn hơn, trong khi đó nếu thi tại trung tâm (Đại lý thi – Test Center như SmartPro hay Tân Đức) thì có người hỗ trợ mình – Khi thi ở trung tâm thì chỉ được thi vào giờ làm việc, còn thi tại nhà thì giờ nào cũng được, có thể nói 24/7. Mình đã chọn phương án thi online tại nhà – Bạn cần có phòng riêng không có người đi qua lại vì có người giám sát trực tuyến trong suốt quá trình làm bài kiểm tra vì thế máy tính bạn phải được trang bị camera/webcam. Hình thức này rất phù hợp cho những bạn ở những nơi không có trung tâm hay đại lý tổ chức thi.


Thi ISTQB online thì được một cái hay nữa là, sau khi hoàn thành bài thi sẽ có kết quả ngay và luôn. Trong tầm 24 giờ (trường hợp của mình thì nhanh hơn, chỉ tầm 1 tiếng sau) thì bạn sẽ nhận được thông báo chính thức và chứng chỉ pdf qua email mà bạn đã sử dụng khi đăng ký thi. Có thể nói, mình mới vừa uống xong ly nước thì đã thấy email “Congratulation” rồi ^^

Quá trình làm bài thi tại nhà

Mình online sớm hơn giờ thi (hẹn 3h chiều Việt Nam) tầm 15 phút, kiểm tra máy tính, mạng mẽo các kiểu thì đến giờ thi, bấm vào nút Launch để bắt đầu làm bài trên trình duyệt riêng do Pearson Vue bắt mình cài trước đó. Sau các bước kiểm tra giấy tờ tùy thân, và xoay máy tính xung quanh phòng để giám thị online xem xét xung quanh, đi xa ra để thấy khu vực mình ngồi làm bài thi, thì tiến hành làm bài thi.

Thời gian làm bài của mình là 75 phút vì đã được cộng thêm 25% thời gian mở rộng dành cho thí sinh có tiếng mẹ đẻ không phải là tiếng Anh. Do có bạn Shanna hướng dẫn đăng ký nên cũng không phức tạp để chứng minh điều này.

Nhìn chung về nội dung bài thi của Brightest cũng khá giống với đề thi mẫu trên trang istqb.org nhưng có phần dễ hơn. Bài thi này không quá lắc léo tập trung vào đánh đố như các đề thi ISTQB mẫu. 40 câu hỏi thi được trải dài theo thứ tự các chương, nên những câu hỏi K3 về tính toán như phân vùng tương đương, phân tích giá trị biên, sắp xếp thứ tự test case, hoặc ước lượng (estimate) thì bắt đầu từ tầm câu 28 trở đi. Lúc này có thể não đã sắp “hết pin” nên nhảy số hơi chậm vì thế bạn nên đọc câu hỏi và tính toán cẩn thận hơn. Kinh nghiệm bản thân, thì lúc này mình thường sẽ 1) đọc câu hỏi trước, rồi mới quay lên 2) đọc mô tả ngữ cảnh/yêu cầu, 3) tìm các dữ kiện cần thiết, và 4) chọn đáp án. Hoặc với mấy câu về sắp xếp thứ tự test case (test execution schedule) và state transition testing thì mình sẽ dựa vào đáp án để dò ngược lên hình và câu hỏi luôn 😭

Với những câu có nhiều câu trả lời hao hao giống nhau, mình sẽ 1) chọn đại một đáp mà mình cảm thấy OK nhất, và 2) bấm nút đánh dấu (mark) để lát nữa quay lại suy nghĩ kĩ hơn – Khi thi online, các bạn có nút mark để đánh dấu những câu cần xem lại trước khi nộp bài. Bạn cũng có thể xem lại toàn bộ 40 câu hỏi từ đầu. Mình không dành quá 1 phút cho những câu lý thuyết nếu mình không thấy chắc chắn đáp án nào.

Khi xem lại những câu phân vân, bạn cứ thoải mái chọn lại đáp án mới nếu thay đổi quan điểm, còn không thì cứ giữ nguyên rồi bấm nút nộp bài. Kết quả đạt hay không sẽ có ngay, nhưng giải thích điểm chi tiết thì phải chờ trong vòng 1-2 ngày (nếu bạn thi vào cuối tuần).

Trong quá trình học nên tập trung nghe hiểu nội dung

Sau 2 tháng tập trung ôn luyện, lớp ISTQB khoá IK55 vừa kết thúc vào Chủ Nhật rồi (26.11.2023) và vì “chạy KPI” cuối năm nên mình thi sớm để “lỡ có chuyện gì” thì còn thời gian để thi lại lần 2 (trả phí như lần 1). Chứng chỉ ISTQB CTFL này có thể dễ dàng với nhiều bạn (có bạn nói: chỉ cần đọc qua syllabus 1 lần rồi giải vài đề thi mẫu và thi là xong) nhưng đối với mình, nó là cả “một quá trình ngày đêm vất vả” 

Cuối bài xin cám anh Sơn, bạn Shanna của trung tâm Brightest, và ứng dụng ISTQB Q-Boost đã hỗ trợ em rất nhiều trong thời gian vừa qua.

Chúc các bạn sắp thi ISTQB có kết quả tốt!

V.V.

P/S. Đây là một video anh Sơn giải đề trên lớp qua ứng dụng ISTQB Q-Boost

Nếu không xem được video thì link này nhé https://youtu.be/25IE3_veYE0

Một số câu hỏi thường gặp

Thi ISTQB online tại nhà được không?

Được, bạn có thể đăng ký thi tại trung tâm khảo thí quốc tế hoặc tại nhà.

Nên thi ISTQB ở tại trung tâm khảo thí hay ở nhà?

Nếu bạn không ở quá xa thì nên thi tại trung tâm khảo thí. Khi có vấn đề trục trặc xảy ra trong quá trình làm bài thi, nhân viên hỗ trợ sẽ xử lý nhanh và tốt hơn, trách nhiệm thuộc về trung tâm khảo thí.
Nếu bạn ở xa, khu vực không có trung tâm khảo thí, hay bạn muốn thi vào ngoài giờ làm việc (sau 5h chiều) hoặc cuối tuần thì chỉ có thể là thi online tại nhà.

Lệ phí thi có khác nhau không?

Hiện tại đa số các trung tâm khảo thí không thu thêm phụ phí nên có thể nói là lệ phí thi ISTQ online tại trung tâm hay tại nhà là như nhau.

You Might Also Like

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *