Môi trường mới: Leader quá bận để hỗ trợ
🍀 Suy nghĩ trong chừng một tuần là mình cập nhật CV. Theo thông tin trên nhóm Testing VN Jobs (https://www.facebook.com/groups/jobs.testing.vn) mình cũng “rải CV” vài chỗ. Thời điểm này nhu cầu tuyển tester dưới 1 năm kinh nghiệm còn nhiều, và sau mỗi lần phỏng vấn mình đều ghi chép lại câu hỏi cũng như đánh giá lại kiến thức để biết mình thiếu gì và cần học lại chỗ nào để hoàn thiện hơn.
Cuối cùng, sau khi phỏng vấn 6 công ty thì nhận được 4 offer (đề nghị làm việc). Mình đã chọn công ty hiện tại theo các tiêu chí sau (theo thứ tự): có Tester Leader, có sử dụng ngoại ngữ, gần nhà. Mặc dù có Leader (mình xin phép không đề cập anh hay chị) hướng dẫn trong 2 tháng thử việc, có đưa ra đánh giá những điều mình đã làm tốt và chưa tốt để cải thiện, nhưng anh/chị ấy cũng bận quá trời dự án nên ở công ty này cũng không như mình mong đợi là “sẽ có người hướng dẫn và dẫn dắt, giải đáp thắc mắc, đưa ra lộ trình đào tạo,… cho tester mới” như mình.
Đây là công ty outsource (gia công phần mềm) nên xung quanh dù có nhiều nhân viên nhưng mà mình chỉ làm việc với mấy bạn chung dự án, cũng nhóm ít người chứ không phải mọi người cùng làm chung một sản phẩm. Nói chung là đa dạng hơn so với công ty trước đây của mình, chỉ tập trung vào một sản phẩm. Mặc dù với công ty này mình sẽ có cơ hội tiếp xúc với nhiều thể loại dự án, lĩnh vực, và công nghệ khác nhau, có dự án mình kiểm thử web, có dự án mình kiểm thử mobile app trên Android, nhưng đa phần những dự án mình tham gia đều nho nhỏ, có dự án chỉ thêm tính năng hoặc tích hợp thêm một app bên thứ 3 vào hệ thống sẵn có của khách hàng.
Điểm mạnh của mình ở đây là ngoại ngữ và quen cách phân tích hệ thống như ở công ty cũ nên mình phân tích tài liệu để nắm nghiệp vụ rất nhanh. Tuy nhiên điểm trừ cố hữu của mình là “dân trái ngành.” Trong một số dự án gia công phần mềm, có những vấn đề đòi hỏi tester phải hiểu về technical (kỹ thuật) hơn mới có thể làm việc được, nhất là những dự án migration (chuyển một hệ thống cũ sang một nền tảng công nghệ mới). Và phận gia công phần mềm lâu lâu sẽ gặp chuyện khách hàng đang thuê công ty A làm việc, giờ chuyển sang công ty B (là công ty mình) thì nhóm developer bên công ty A họ không hợp tác, họ không bàn giao nhiệt tình, đòi hỏi cả nhóm mình chạy theo rất đuối. Hoặc có một số khách hàng viết tài liệu mô tả yêu cầu rất chi tiết, bao gồm cả API và cấu trúc database nữa. Khi tham gia mấy dự án này, mình rất áp lực (stress dẫn đến đau dạ dày mấy lần), mấy anh chị developers coi thường mình ra mặt luôn vì cái gì cũng hỏi (mình nghĩ chứ không dám nói: chứ giờ toàn kỹ thuật không thì sao em hiểu được?!?). Nhiều câu hỏi (có thể là qua nội dung câu hỏi nó lộ rõ mình là dân trái ngành nên mới đi hỏi vậy) không được trả lời luôn.
Bắt đầu thấy tự ti vì bản thân trái ngành, thiếu kiến thức về CNTT (công nghệ thông tin) nên mới bị đối xử như vậy. Tự nhiên thấy sợ bị mất việc. Và mình có suy nghĩ “nếu cứ như hiện tại thì sẽ rất khó phát triển lên bậc, và chắc mình sẽ sớm bị đào thải vì chậm hơn các bạn trẻ và các bạn học CNTT.” Mình quyết định “nâng cấp” bản thân bằng cách đăng ký cùng lúc 2 lớp, ISTQB CTFL và Restful API Testing (lớp này chị Sương dạy). Lớp API thì chiều Thứ 7, 1h30-4h30 và lớp ISTQB thì cả ngày CN. Sau 3 tuần đầu, vừa công việc trên công ty, rồi bài tập về nhà của lớp API phải nộp trong tuần (trước Thứ 7) rồi lớp ISTQB ngồi nghe từ sáng đến chiều,… mình quá tải. Thế là xin bảo lưu lớp ISTQB để tập trung lớp API và còn dành thời gian cuối tuần để đọc tài liệu dự án nữa.
Sau khi tham gia lớp API Testing của chị Sương thì giờ mình cũng tự tin hẳn khi làm việc với mấy loại tài liệu mô tả API, ví dụ như cách gọi 1 API để lấy token, rồi gán vào 1 biến môi trường, sau đó sử dụng trong lúc gọi API tiếp theo. Phần javascript này thì trong lớp được học luôn, không nhiều lắm nhưng sơ sơ đủ biết khai báo biến mới, gán giá trị, lôi ra sử dụng cho lần gọi API khác. Sau đó, thì mình cũng đã quay lại lớp ISTQB, vừa lấy chứng chỉ ISTQB CTFL vào Tháng 04.2023 – mình chọn hình thức ISTQB offline cho rẻ (3 triệu đồng) và công ty mình chỉ tài trợ số tiền này.
Nhìn lại bản thân: Lộ trình nghề nghiệp của mình
Tiêu đề ghi là năm đầu tiên vậy chứ mình làm hơn 1 năm rồi, cũng 15 tháng rồi đó. Giờ thì mọi thứ đã ổn định và mình cũng quen với “phong cách làm việc” của công ty gia công phần mềm rồi. Nhưng làm một thời gian, trải qua nhiều dự án mình nhận ra rằng: “nghề Tester thoạt nhìn có vẻ không quá khó, nhưng muốn phát triển xa hơn thì thật sự không hề dễ.”
Điều này càng đúng cho những bạn trái ngành như mình, xuất phát điểm của mình cách mấy bạn học CNTT tới 4 năm. Sau nhiều suy nghĩ cũng qua một thời gian gắn bó với nghề tester, mình thấy thích công việc này (dù nó hơi áp lực) nên quyết định nghiêm túc theo công việc này luôn.
Sau khi tham khảo ý kiến của anh Sơn (trong quá trình đi làm, gặp gì khó là mình chat hỏi ảnh ngay, tuy ảnh hay trả lời trễ, nhưng khi nhận được câu trả lời thì hầu như đều giải quyết được vấn đề của mình) và tìm hiểu so sánh giữa các trường, cuối cùng mình đã quyết định đăng ký học Văn Bằng 2 ngành CNTT tại Trường Đại học XIN-GIẤU-TÊN (vì ghi ra là mấy bạn tester đồng nghiệp biết ngay mình là ai) – Thời gian học trong hai năm rưỡi. Một trong những lý do chính là:
- Lịch học vào cuối tuần (đa phần là cả ngày Thứ 7 và CN – phù hợp với mình)
- Hình thức học: trực tuyến (nhưng thi thì tập trung tại TP.HCM)
- Học phí ở đây rẻ hơn so với mấy trường khác (vào thời điểm mình tìm hiểu và so sánh)
Còn nhiều thứ muốn chia sẻ với các bạn nữa nhưng mà bài viết hơi dài rồi. Hẹn dịp nào đó mình sẽ chia sẻ trong một bài khác. Mình thấy hơi ngại với anh chị đồng nghiệp nên muốn giấu tên, nhờ anh Sơn đứng tên giúp bài viết này. Chúc anh Sơn nhiều sức khoẻ và Testing VN ngày càng phát triển hơn.
Những chia sẻ chân thành từ một tester sắp hết trái ngành!
P/S: Mời xem Tester trái ngành: Áp lực những tháng đầu (P1)
Hay quá ạ! Cảm ơn chị đã chia sẻ~