⭐ Tuyển dụng tester là một công việc không hề đơn giản. Bởi lẽ nhu cầu tuyển dụng ngày càng cao mà tester (QA, QC) thì “lặn” đâu mất tiêu hết trơn. HR, nhà tuyển dụng, và nhân viên tuyển dụng bán thời gian (headhunter) tìm đỏ mắt mà vẫn chưa tuyển được người. Có nhiều lý do vì sao tuyển tester mãi không được. Trong bài viết này mình bàn về 3 lý do chính khiến cho tester và nhà tuyển dụng chưa tìm ra tiếng nói chung:
- Mức lương và chế độ đãi ngộ
- Lĩnh vực sản phẩm đang phát triển
- Tính chất công việc
Mức lương và chế độ đãi ngộ
Mức lương chưa đủ hấp dẫn là lý do hàng đầu khiến cho Tester (Trong bài mình sẽ sử dụng từ “tester” để nói chung cho mọi vị trí Tester, QA, hay QC) quyết định “nhận offer.” Tùy kinh nghiệm (fresher, junior, senior,…), tính chất công việc (manual, auto, security, hay performance tester), hoặc vai trò (tester, test leader, test manager,…) mà mức lương sẽ khác nhau. Ngoài lương thì còn có những đãi ngộ khác mà ngày nay rất nhiều công ty phát triển phần mềm cũng chú trọng là mua thêm bảo hiểm sức khỏe (như PVI, BaoViet Care,…) cho nhân viên và người thân của họ. Tùy vai trò của nhân viên mà số lượng người thân được mua bảo hiểm sẽ khác nhau.
Hiển nhiên là lương càng cao thì càng dễ “hút người,” vì thế một số công ty lớn đã mạnh tay chi lương tester khủng (2,000$-3,000$ là có thật). Tuy nhiên, con số này chỉ tập trung vào một nhóm đối tượng nhất định như vai trò quản lý, chuyên kiểm thử 1 lĩnh vực nào đó, hoặc kiểm thử động. Hầu hết các ứng viên không bao giờ phỏng vấn 1 công ty mà luôn là nhiều hơn 2 công ty. Nhiều HR không ngạc nhiên khi một ứng viên đã đồng ý “nhận offer” vào hôm trước nhưng hôm nay lại gọi điện để hủy. Tuy ứng viên đưa ra nhiều lý do nhưng tựu chung là có một công ty nào đó vừa trả họ mức cao hơn, thậm chí nhiều trường hợp mình biết được thì mức này chênh nhau gấp rưỡi. Ví dụ cũng là 1 bạn Fresher Tester đó, Cty A trả 8 triệu/tháng, tuy nhiên Cty B lại trả 12triệu. Chắc chắn, bạn ấy sẽ phải “hủy kèo” bên Cty A để nhận lời mời làm việc cho Cty B rồi.
Tester chưa có nhiều kinh nghiệm (hay gọi là Fresher Tester) thì họ sẽ không quan trọng việc lương này lắm, ví dụ mức lương giữa 2 công ty chênh lệch 10-20% họ sẽ vẫn có thể làm cho công ty lương thấp hơn miễn là ở đó có chế độ đào tạo và có người dẫn dắt, có cơ hội cho họ va chạm, cọ xát để phát triển. Nhưng với tester có kinh nghiệm (thường gọi là Senior Tester) thì họ sẽ để tâm đến lương nhiều hơn là cơ hội phát triển.

Bạn có thể thấy mặt tích cực của việc này là thúc đẩy tester dành thời gian, công sức, tiền bạc để đầu tư cho bản thân thông qua các khóa học online hoặc tại trung tâm nào đó để nâng cao kiến thức, kỹ năng, và kinh nghiệm của mình để cạnh tranh với những tester khác để chiến thắng trong công cuộc săn việc tốt. Điều này rất có ích cho cộng đồng tester. Đây có thể nói là một hoạt động cạnh tranh lành mạnh giúp mọi người đều tiến bộ, thúc đẩy sáng tạo và ngày càng có nhiều tester giỏi. Sẽ giúp cho Việt Nam có nhiều tester giỏi so với khu vực (Ấn Độ, Trung Quốc), và thế giới.
Tuy nhiên, việc trả lương cao để thu hút nhân tài tạo ra mặt trái là tester “nhảy việc” như tôm. Nhiều bạn nhảy thường xuyên mỗi năm. Cứ một lần nhảy thì lương lại tăng “bèo lắm là 15%” (đây là câu cửa miệng của nhiều tester), thậm chí là 30%. Vô tình đẩy “giá” của tester (mức lương) lên cao hơn “giá trị thật” (là khả năng làm việc của họ). Bên cạnh đó, sự xáo trộn này dẫn đến một hệ lụy nữa là chất lượng công việc. Với vai trò là test leader của một dự án nhỏ với 3 bạn tester. Bạn mong một tester “cứng” (có kinh nghiệm làm việc) để quán xuyến công việc và kèm cặp 2 bạn kia. Tuy nhiên, bạn tester này không có kinh nghiệm như những gì bạn ấy thể hiện trong CV và trong buổi phỏng vấn.
Tại sao lại có chuyện như vậy? Qua một buổi phỏng vấn ngắn ngủi (thường 1-2 giờ), nhóm người phỏng vấn đánh giá cao năng lực của ứng viên và để đáp ứng được mức lương mong muốn của bạn ấy thì vị trí của bạn ấy trong công ty phải là ABC nào đó mới phù hợp. Chính vì vậy mà “title” thì cao mà chất lượng công việc thì không như mong đợi. Thế là bạn ấy sẽ phải (có thể) ra đi sau thử việc hoặc sau khi dự án đó kết thúc, rồi bạn ấy lại phỏng vấn công ty khác, và mức lương không thể thấp hơn mức lương hiện tại của bạn ấy được.
Lĩnh vực sản phẩm đang phát triển
Bản thân mình không thích kiểm thử game. Và nhiều tester khác thì không thích làm phần mềm cho ngành kế toán, thương mại điện tử, hoặc họ đã chán ngành bảo hiểm hay y tế. Lĩnh vực mà nhiều bạn tester đang quan tâm là thanh toán online và các sàn giao dịch tiền điện tử. Với những tester mới vào nghề thì ngành gì cũng được, miễn có việc làm là nhận hết. Nhưng với tester có kinh nghiệm, họ sẽ hứng thú hơn với ngành nghề hay lĩnh vực cụ thể nào đó. Nếu chưa tìm thấy công ty phù hợp, họ vẫn chưa nhảy (chuyển công ty).
Ngoài ra thì loại hình công ty cũng quyết định một phần trong việc nhận offer hay không. Ví dụ, Fresher Tester thì xu hướng họ sẽ chọn những công ty gia công phần mềm (mọi người hay gọi “công ty outsource”) do có cơ hội làm việc cho nhiều khách hàng khác nhau (Việt Nam, Mỹ, Úc, Nhật,…), thể loại dự án khác nhau (Web, Mobile app,…), và nhiều loại công nghệ/công cụ khác nhau. Ngược lại thì Senior Tester họ sẽ chọn công ty làm sản phẩm (hay gọi “công ty làm product”) vì “nghe đồn” công ty product trả lương cao hơn công ty outsource. Và công việc ổn định hơn. Họ có nhiều thứ để lo bên cạnh công việc, ví dụ gia đình và học thêm “cái gì đó.”
Tính chất công việc
Nhiều bạn sẵn sàng nhảy việc khi lương không cao hơn so với hiện tại là mấy. Vậy động lực nào giúp họ chuyển công ty trong khi lương không tăng, thậm chí có một vài trường hợp lương lại bị giảm?
Chán công việc hiện tại, là lý do thường gặp nhất ở nhiều người muốn nhảy việc. Động lực làm việc (motivation) bị giảm đi sau khi bạn đã “quá rành” một công việc nào đó, đến mức bạn cứ làm việc theo bản năng chứ không cần “động não.” Điều này làm bạn như đang trở thành “zombie công sở.” Bạn muốn mình không bị ù lì thì bạn quyết định nhảy. Nhảy việc không phải là giải pháp duy nhất cho vấn đề này. Bạn có thể xin chuyển nhóm, chuyển dự án, thử thay đổi công việc (ví dụ từ Tester, bạn sang làm BA, hoặc thử sức với vai trò PM trong một dự án mới nho nhỏ trong công ty). Hoặc bạn có thể trình bày nguyện vọng của mình cho sếp để trong tương lai có việc gì đó phù hợp, họ sẽ ưu tiên cho bạn thử sức.
Một khi bạn đã “muốn thay đổi” thì một trong nhiều lý do chính đó là không còn muốn làm công việc hằng ngày như hiện tại và công ty bạn không đáp ứng được yêu cầu “chuyển dự án.” Khi qua công ty mới bạn có thể nhận một công việc mới, thách thức mới, như thay đổi từ vai trò tester (senior tester) ở Cty A, sang làm test leader ở Cty B. Hoặc ở Cty A thì làm thuần 100% manual, nhưng họ muốn chuyển hướng sang làm automation, hoặc công việc khác. Hoặc có cơ hội được đào tạo automation ở một công ty mới. Mà những cơ hội này họ sẽ không bao giờ có được nếu vẫn ở lại công ty hiện tại.
Tóm lại, tính chất công việc cũng một phần quan trọng quyết định sự lựa chọn công ty của một ứng viên. Tuy mức lương một công ty đưa ra là tốt nhưng vẫn bị từ chối vì công ty khác có công việc giống như “kế hoạch” của bạn tester đó hơn.
Lý do khiến tester nhận offer
Tóm lại, có rất nhiều lý do khiến một tester nhận hoặc từ chối offer. Bạn thì sao? Hãy chia sẻ lý do của bạn ở phần bình luận bên dưới nhé.
Hãy bắt bug một cách vui vẻ, chuyên nghiệp!
Em muốn học tester nhưng em không phải từ dân IT mà dân tâm lý. Liệu sau khi em học xong khóa học bên mình thì có thể apply công ty nào đó để làm vị trí tester không? Mong ad hãy cho em lời khuyên ạ.
Em xin chân thành cám ơn.
Mong ad phản hồi sớm.
Cám ơn Vân đã hỏi. Em có thể tham gia lớp Fresher Tester dành cho người mới bắt đầu để làm tester.
Vui lòng liên hệ Zalo 0908045005 (chị Trang) để được tư vấn kỹ hơn nha.