⭐ Business Analyst (BA), nhân viên phân tích nghiệp vụ, là người giúp chuyển tải ý tưởng và yêu cầu của khách hàng đến tay nhóm phát triển phần mềm bao gồm Developer (Lập trình viên) và Tester (Kiểm thử viên). Chính vì là “cầu nối” giữa khách hàng và nhóm phát triển phần mềm nên vai trò của BA rất quan trọng, nếu “sai một li là đi một dặm” ngay!
Ngày càng nhiều công ty nước ngoài từ các quốc gia như Mỹ, Úc, Châu Âu, và Singapore đầu tư mạnh vào Việt Nam có thể là do nguồn nhân lực chất lượng cao nhưng nhân công rẻ, và một điều quan trọng là tận dụng được sự lệch múi giờ giữa các quốc gia. Như đã đề cập ở trên, công việc của BA là cầu nối giữa khách hàng (người đưa ra yêu cầu) và nhóm phát triển phần mềm, mà khách hàng ở đây là “người ngoại quốc” nên một trong những điều kiện tiên quyết của BA là ngoại ngữ, có thể là Tiếng Anh hoặc Tiếng Nhật. Xem thêm những thông tin khác về BA bên dưới nhé.
Bắt đầu với khoá Fresher BA
BA là ai?
BA là viết tắt của Business Analyst, nghĩa là nhân viên phân tích nghiệp vụ. Hay gọi là BA cho gọn. Công việc và nhiệm vụ chính của một BA trong dự án phát triển phần mềm sẽ khác nhau, nên bạn có thể thấy nhu cầu tuyển Business BA và Technical BA.
Theo như ví dụ tuyển dụng bên dưới của một công ty tại TP.HCM thì công ty này đang cần BA có kinh nghiệm về mảng (business domain) Nhân sự và Kho vận. Nên bạn có thể thấy rằng, BA là người phải nắm vững nghiệp vụ của hệ thống đang được phát triển để hỗ trợ cho cả khách hàng và nhóm phát triển phần mềm. Và phần mềm (hay gọi chung là system, product, hay software) thì tồn tại để phục vụ con người trong nhiều lĩnh vực, có thể là giải trí, hoặc là giúp quản lý và vận hành doanh nghiệp như các ứng dụng ngân hàng, thanh toán trực tuyến, hay phản lý phát triển phần mềm như Jira.
Lộ trình thăng tiến của Business Analyst cũng tương tự mọi vai trò khác như Tester và Developer, đầu tiên sẽ là Fresher BA, Junior BA, Senior BA, rồi Principal BA, hoặc có khi bạn đã chuyển sang vai trò Product Owner, Product Manager (PM) trước khi lên BA Lead hoặc BA Manager 🍀
Kiến thức cốt lõi của BA
Có thể bạn đã từng gặp câu hỏi “học gì để làm BA?” Như mọi công việc, để biết “cần học gì” thì bạn phải biết được công việc đó cần những kỹ năng gì. Dưới đây là một số kỹ năng, kiến thức thiết yếu của một BA.
Phân tích quản lý – Management analyst
Như đã đề cập ở trên, một phần mềm khi được phát triển thì luôn có mục đích riêng của nó. Có thể mục tiêu của nó là để giúp doanh nghiệp quản lý vận hành hiệu quả hơn, thì trong trường hợp này BA phải là một chuyên gia tư vấn các giải pháp quản lý hiệu quả cho khách hàng đó. Để làm tốt điều này, BA phải có kiến thức và kinh nghiệm về lĩnh vực chuyên biệt, ví dụ Ngân hàng, Thương mại điện tử, quản lý hợp đồng, v.v… Bạn có thể không cần biết về kỹ thuật, không phải học CNTT mà học các chuyên ngành khác vẫn làm việc hiệu quả.
Nếu không thì có thể xem như phần mềm quản lý này đã thất bại vì nó không giúp ích hay giải quyết được vấn đề của khách hàng. Nếu BA không có kiến thức và kỹ năng phân tích quản lý ở mức tổng quan thì khó có thể giúp được cả khách hàng và công ty/nhóm phát triển phần mềm.
Phân tích hệ thống – Systems analyst
Để có thể phân tích được một hệ thống phần mềm, đôi khi bạn phải hiểu hệ thống các phần mềm hiện có của khách hàng, cơ sở hạ tầng (infrastructure) hiện tại của họ, và nhiều vấn đề khác như mô hình phát triển phần mềm, CI/CD tools, v.v… hiện tại của khách hàng, thì mới có thể đề xuất cách phối hợp phát triển phần mềm mới, hay cải tiến một phần nào đó yêu cầu của họ.
Vì thế, BA phải có kiến thức và trình độ chuyên môn về kỹ thuật, bạn nào học CNTT thì là tuyệt vời vì bạn sẽ làm việc trực tiếp với đội kỹ thuật phía khách hàng và phối hợp với nhóm phát triển của mình, là cầu nối giữa 2 nhóm này để làm việc hiệu quả.
Phân tích dữ liệu – Data Analyst
Để có thể tư vấn cho khách hàng các giải pháp phần mềm hiệu quả, ngoài kỹ năng phân tích nghiệp vụ, BA còn phải trang bị kỹ năng phân tích số liệu, dựa trên số liệu thu thập hiện có, thông qua các công cụ như Google Analytics, MixPanel, FullStory, Productboard, v.v… hay trực tiếp trong hệ thống phần mềm của khách hàng. Nếu bạn có kỹ năng phân tích dữ liệu, kết quả công việc của bạn thường được trình bày rõ ràng, logic, và dễ hiểu hơn.
Dựa trên phân tích thông tin đó, bạn sẽ cung cấp cho khách hàng một cái nhìn tổng quan về các khía cạnh khác nhau tùy mô hình kinh doanh, ví dụ như số lượng người dùng vào trang web, số lượng người đăng ký so với tổng khách viếng thăm (visitor), doanh số bán hàng,… và có thể sử dụng kết quả phân tích thông tin cho nghiên cứu thị trường hoặc các hoạt động khác của doanh nghiệp.
Học gì để làm BA (Business Analyst)?
Khi bạn tìm kiếm trên Google từ khoá “Business Analyst cần học gì” thì hầu như chỉ thấy các trung tâm đào tạo các khoá học BA ngắn hạn, chứ không có nhiều thông tin cụ thể danh sách các thứ bạn cần học để làm BA. Tài liệu đang được mọi người săn đón để làm BA là BABOK.
Tương tự như kiểm thử phần mềm, Business Analyst chưa có chuyên ngành riêng trong các trường Đại học. Nhưng cách đây 20 năm, thì sinh viên khoa CNTT đã được học môn Phân tích thiết kế hệ thống thông tin (khoá của mình là Cô Bích dạy). “Nghề Business Analyst” tuy không phải là một chuyên ngành, nhưng nó là một môn học, nên dù cho nó không trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng cần thiết cho bạn để làm Business Analyst thì nó cũng giúp bạn có được khái niệm tổng quan và nền tảng cơ bản để từ đó bạn sẽ tự học thêm.
Nếu bạn muốn bắt đầu sự nghiệp với nghề BA thì có những bạn đã và đang học các ngành dưới đây là một lợi thế bước đầu:
Bìa slide của môn Phân tích thiết kế hệ thống thông tin – ĐH KHTN
Ngành công nghệ thông tin
Ngày nay, Business Analyst vận dụng khá nhiều kiến thức công nghệ thông tin để có thể thúc đẩy hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong thời đại số. Trong đó, Business Analyst cần phải đưa ra các giải pháp vận hành doanh nghiệp bằng phần mềm và bảo mật thông tin kinh doanh. Do vậy, để theo đuổi công việc này, bạn có thể theo học các ngành như khoa học máy tính, kỹ thuật phần mềm, truyền thông – mạng máy tính…
Ngoài việc phát triển kiến thức chuyên sâu về công nghệ thông tin, bạn cũng cần bổ sung thêm các kiến thức khác về quản trị kinh doanh, quản lý hệ thống,… và các kỹ năng mềm cần thiết để giao tiếp hiệu quả. Đây là những kỹ năng và kiến thức quan trọng để giúp bạn có thể phát triển xa hơn trong nghề Business Analyst.
Khối ngành kinh tế và tài chính ngân hàng
Nhiệm vụ chính của Business Analyst là cần phân tích các con số và thông tin liên quan đến lợi ích kinh tế, lợi nhuận của khách hàng hoặc công ty. Do đó, bạn sẽ cần trang bị kiến thức trong các nhóm ngành như quản trị kinh doanh, kiểm toán, tài chính, kế toán,… Hiện tại, các trường đại học tại Việt Nam đều có các nhóm ngành kinh tế trên để bạn có thể theo học.
Trong quá trình học nhóm ngành này, bạn cũng nên đăng ký học thêm các khóa ngắn hạn về công nghệ thông tin để bổ trợ thêm kỹ năng cho công việc Business Analyst sau này.
7 kỹ năng quan trọng nhất của BA
Tuỳ vào công việc cụ thể của bạn là Business BA hay là Technical BA và lĩnh vực (domain) của hệ thống bạn đang làm thì tập kỹ năng cần thiết và quan trọng nhất sẽ khác nhau. Dưới đây là danh sách 7 kỹ năng quan trọng nhất của BA cần phải có để hoàn thành tốt công việc của mình.
Kỹ năng phân tích
Mọi vị trí trong nhóm phát triển phần mềm đều cần kỹ năng phân tích, tuy nhiên với BA thì tư duy phân tích là một trong những kỹ năng cơ bản. Như cái tên của nó “phân tích nghiệp vụ” thì BA phải có khả năng phân tích và truyền đạt tốt vì bạn sẽ là cầu nối giữa khách hàng/PM và nhóm phát triển phần mềm (gồm developer, tester, và nhiều vai trò khác).
Bên cạnh đó, tư duy phản biện (critical thinking) giúp BA đánh giá nhiều lựa chọn trước khi đưa ra giải pháp mong muốn – đưa ra quyết định trong thời gian ngắn, có thể là ngay trong lúc làm việc/phỏng vấn với khách hàng để lấy yêu cầu.
Kỹ năng giao tiếp
Giao tiếp là một kỹ năng vô cùng cần thiết trong bất kỳ công việc nào, nhất là trong ngành phát triển phần mềm. Riêng với vai trò Business Analyst, công việc này đòi hỏi phải làm việc trực tiếp với khách hàng, nhất là trong hoạt động phỏng vấn – trao đổi thông tin để nắm rõ yêu cầu và nghiệp vụ cũng như những vấn đề mà khách hàng đang nhờ chúng ta giải quyết, tóm lại, là BA thì bạn phải làm việc trực tiếp với con người nên kỹ năng giao tiếp là cực kỳ quan trọng.
Trong quá trình lấy yêu cầu (requirements elicitation), BA cần có kỹ năng đặt câu hỏi tốt để “moi” được thông tin cần thiết giúp bạn có được tài liệu mô tả yêu cầu chất lượng cao.
Kiến thức công nghệ thông tin
Kiến thức chuyên ngành khác giúp bạn dễ dàng nắm bắt yêu cầu nghiệp vụ của khách hàng, thì kiến thức công nghệ thông tin sẽ giúp bạn liên kết và hệ thống hoá mọi thông tin để thiết kế quy trình nghiệp vụ (business process) hiệu quả.
Bên cạnh đó, với kiến thức công nghệ thông tin giúp bạn sử dụng “ngôn ngữ” dễ hiểu cho nhóm kỹ thuật (developer và tester). Công việc của Business Analyst cũng liên quan đến các loại dữ liệu khác nhau từ cơ sở dữ liệu (database) như MS SQL Server hay Postgresql, và các loại cấu trúc dữ liệu như CSV, XML, JSON,… nên với kiến thức công nghệ thông tin, đặc biệt là về cơ sở dữ liệu giúp bạn tự viết các câu truy vấn SQL để thu thập và phân tích dữ liệu hiện có, giúp bạn đưa ra quyết định tốt hơn về nghiệp vụ.
Kỹ năng xử lý vấn đề
Thay đổi yêu cầu là một điều không thể tránh khỏi trong quá trình phát triển phần mềm nên công việc của Business Analyst hay Product Manager thường xuyên phải đối mặt với sự thay đổi. Vì thế, khả năng xử lý vấn đề tốt là một trong những kỹ năng thiết yếu của một BA giỏi.
Đôi khi để xử lý vấn đề tốt, BA sẽ kết hợp với kỹ năng đàm phán để thương lượng về các thay đổi yêu cầu gấp dựa vào khả năng xử lý của nhóm phát triển phần mềm hoặc deadline (hạn chót giao sản phẩm).
Kỹ năng đàm phán và thuyết phục
Không phải mọi thông tin khảo sát, yêu cầu, và đề xuất của Business Analyst đều được khách hàng chấp nhận nên kỹ năng đàm phán để thuyết phục khách hàng hầu như là cơm bữa, nó diễn ra hằng ngày và trong mọi giai đoạn của dự án. Ví dụ, trong giai đoạn đầu, BA sử dụng kỹ năng đàm phán để thuyết phục khách hàng về những điều quan trọng cần đưa vào tầm nhìn của dự án, giúp việc lập kế hoạch thuận lợi hơn.
Nếu BA không được trang bị tốt kỹ năng thương lượng đàm phán thì có thể dẫn đến việc cả team sẽ phải OT (work overtime) và OL (Ở Lại – nói vui là vì không được trả thêm tiền làm việc ngoài giờ) sấp mặt.
Kỹ năng đưa ra quyết định
Các quyết định của Business Analyst trong quá trình phân tích và thiết kế hệ thống sẽ tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến hoạt động kinh doanh của khách hàng, sau khi hệ thống phần mềm được đưa vào sử dụng. Nếu BA là người đại diện cho một nhóm gia công phần mềm để làm việc trực tiếp với khách hàng để lấy yêu cầu, thì các quyết định của BA sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến dự án và nhóm phát triển phần mềm trong giai đoạn phát triển. Ví dụ điển hình là những thay đổi yêu cầu nằm ngoài khả năng xử lý của nhóm.
Để đưa ra quyết định tốt hơn, BA thường dựa vào phân tích số liệu từ những dự án trước đây và kinh nghiệm bản thân.
Kỹ năng quản lý dự án
Thường thì quản lý dự án là trách nhiệm của PM (Project Manager hoặc Product Manager) nhưng trong nhiều công ty, BA là người quản lý dự án.
Bên cạnh PM, BA là người giám sát và điều phối công việc trong dự án, cũng như là người sẽ cập nhật tình hình tiến độ và chất lượng cho khách hàng. BA được trang bị kỹ năng quản lý dự án tốt sẽ giúp bạn ấy lên kế hoạch hiệu quả dựa vào ngân sách, nguồn lực hiện có, và kết quả phân tích rủi ro để đưa ra kế hoạch dự phòng phù hợp.
Sau những thông tin hữu ích về nghề BA, chúc bạn tìm thấy lối đi riêng cho mình.
Cám ơn bạn đã đọc hết bài viết này.
TVN