Kiến thức chung, Kinh nghiệm học tập

Outsource kiểu “điền vào chỗ trống”

🏠 Công ty làm outsource là gì? Công ty làm product là sao? Là hai câu hỏi thường gặp nhất khi tư vấn nghề tester cho người mới tìm hiểu về nghề này. Bên cạnh đó, có bạn còn hỏi: mới đi làm thì nên chọn “vị trí thực tập ở công ty lớn” hay “nhận vị trí fresher tester ở công ty nhỏ?”

Bài viết này so sánh sự khác nhau giữa công ty outsource và công ty product. Qua đó, cũng phân tích công việc thường ngày của Tester/QC trong các công ty gia công phần mềm.

Nên chọn “vị trí thực tập ở công ty lớn” hay “nhận vị trí fresher tester ở công ty nhỏ?”

Công ty outsource và công ty product

“Công ty outsource” và “công ty product” là cụm từ tiếng Việt thường gọi, nhưng theo đúng theo tiếng Anh thì:

  • Outsourcing company: Công ty outsource – công ty gia công phần mềm
  • Product-led company: Công ty product – công ty phát triển sản phẩm

Ví dụ, công ty phát triển ứng dụng Zalo và vận hành nó, kinh doanh, kiếm tiền từ ứng dụng Zalo (là một hệ thống nhiều chức năng khác chứ không chỉ có ứng dụng zalo mà chúng ta là người dùng cuối sử dụng), thì công ty đó được gọi là “công ty product”. Phần lớn nhân sự tham gia phát triển sản phẩm (product) Zalo này là người của công ty đó – gọi tắt là “công ty Z”.

Khi nhu cầu phát triển tăng lên, và có thể công ty muốn phát triển một cụm chức năng trong hệ sinh thái trên, sẽ có 2 phương án: một là thành lập nhóm mới và tuyển nhân sự, hai là thuê ngoài – thuê cá nhân hoặc nhân sự từ một công ty nào đó – trong một thời gian ngắn chỉ để tham gia phát triển chức năng. Và tìm đến công ty A.

Ví dụ một số công ty product như Google, Microsoft, Meta.

Trong khi công ty A – chuyên cho thuê nhân sự theo yêu cầu thường luôn có sẵn nhân sự với các mức kinh nghiệm khác nhau – cả PM, Dev, và Tester. Cty A thì có thể cho thuê người theo kiểu “sỉ hoặc lẻ” (một người hoặc cả đội). Công ty A là “công ty outsource” – Gia công phần mềm. Tại một thời điểm, họ có thể hợp tác, phục vụ nhiều công ty khác nhau. Cũng có công ty B, bên cạnh cho thuê nhân sự, họ cũng phát triển sản phẩm riêng của họ. Vì thế, thế mạnh của họ ở điểm nào thì chúng ta thường gọi tên theo hướng đó.

Có nhiều hình thức làm việc giữa công ty thuê nhân sựcông ty cung cấp nhân sự. Nếu nhân sự ngồi tại công ty của mình để làm việc, sau đó bàn giao công việc cho khách hàng thì đó là offsite – thường người ta chỉ gọi là “outsource”; Hình thức thứ hai, nhân sự được thuê sẽ phải đến văn phòng/địa điểm của công ty đi thuê để làm việc, hay được gọi là “đi onsite” – Sẽ được đề cập chi tiết trong một bài viết khác.

Vai trò của công ty outsource

Trong khi công ty product tập trung vào tìm hiểu và phân tích hành vi cũng như mong đợi của người dùng (hoặc gọi là người dùng cuối – end user), công ty outsource thì có thể không cần quan tâm đối tượng người dùng cuối của sản phẩm mà họ đang gia công.

Công ty outsource thường quan tâm đến công nghệ của sản phẩm đó. Nhân sự của họ có kinh nghiệm và kỹ năng liên quan đến các công nghệ (tech stacks) mà công ty thuê cần.

Công việc của tester trong công ty này là gì?

Mục tiêu kiểm thử trong các dự án gia công thường làkiểm tra xem phần mềm đã đáp ứng hết các yêu cầu đã mô tả hay chưa? Vì thế, tính chất công việc của tester sẽ là bám sát tài liệu mô tả yêu cầu để viết test case, sau đó thực thi những test case này, để xác nhận xem phần mềm do nhóm mình phát triển đó, đã đáp ứng hết mọi yêu cầu đã cho hay chưa – Thông qua, kết quả của danh sách test case.

Trong công ty outsource, công việc cụ thể của tester hoàn toàn phụ thuộc vào khách hàng. Thậm chí còn theo kiểu “điền vào chỗ trống” – Nghĩa là một tester luôn có thể được phân công vào một vị trí trong một dự án bất kỳ, hoặc thậm chí là hôm nay làm cho khách hàng này, mai làm cho khách hàng khác. Đa phần các dự án này thường là ngắn hạn, tính theo tháng, tuần, hoặc thậm chí theo ngày. Miễn khách hàng còn cần là còn thuê. Mai hết tiền thì hết thuê 😭

Cũng vì “điền vào chỗ trống” nên có những ưu điểm và nhược điểm sau.

Ưu điểm: Các bạn sẽ có nhiều cơ hội tham gia các dự án đa dạng, tiếp xúc và làm việc với nhiều công nghệ và ngôn ngữ lập trình khác nhau như MS SQL hay Postgres, .Net hay Java, AWS hay Azure. Hay được làm việc với nhiều lĩnh vực (domain) khác nhau như ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, v.v…

Nhược điểm: Việc học và làm quen với những điều mới liên tục sẽ tốn nhiều thời gian của tester. Nhiều khi chưa kịp làm quen với môi trường và con người ở dự án đó, thì đã bị điều sang dự án mới, hoặc khách hàng khác.

Nên học gì cho phù hợp?

Do tính chất công việc “không cố định” của các công ty gia công phần mềm, nên việc học tập cũng không hề đơn giản. Rất khó để nói nên học cái gì thì phù hợp cho tester làm outsource.

Vậy để đáp ứng cho việc luôn thay đổi này, tester chúng ta nên liên tục cập nhật kiến thức, và phải nắm vững kiến thức nền tảng về testing – kiểm thử phần mềm.

Mời các bạn tham khảo thêm thông tin cụ thể của lớp Fresher TesterISTQB CTFL ở link tương ứng.

Bên cạnh đó, kỹ năng kiểm thử liên quan đến API, hay kiểm thử tự động (test automation) cũng rất quan trọng. Nhu cầu tuyển dụng tester cần kiến thức này ngày càng cao. Các bạn cũng cần trang bị vì nó giúp mình làm nghề tester thuận lợi và dễ thăng tiến hơn. Khi dự án cần là bạn luôn tự tin tham gia. Có thể nói, lúc này “nhạc nào bạn cũng nhảy được!”

Không chỉ tester, mọi công việc luôn cần phát triển bản thân. Học tập là một phương tiện. Rất nhiều thứ cần học, nhưng thời gian có hạn, vì thế chúng ta luôn cần ưu tiên những thứ gì có tác động trực tiếp đến công việc hiện tại và tương lai gần trước. Ví dụ, dự án hiện tại hoặc sắp tới cần kiến thức kiểm thử API, bạn nên bắt đầu nghĩ đến việc học API Testing. Khi có thời gian, nên tìm hiểu và học tập những thứ khác có thể chưa cần bây giờ nhưng tương lai sẽ có ích như lập trình hay kiểm thử tự động.

Ngoài ra, ngày nay với sự ra đời và tiến bộ nhanh chóng của AI, chúng ta cũng nên tìm hiểu để sẵn sàng tham gia kiểm thử các phần mềm có ứng dụng AI, hoặc áp dụng AI vào quá trình kiểm thử phần mềm.

Fresher Tester nên tham gia công ty outsource hay product?

Vậy, với một tester mới vào nghề, hay được gọi là Fresher Tester thì nên vào công ty outsource hay công ty product sẽ tốt hơn? Vì tính chất công việc, nếu tester mới vào nghề tham gia công ty outsource sẽ được học rất nhiều thứ, nhưng ngược lại sẽ có thể thấy ngợp.

Tester mới đi làm, chúng ta không nên kén chọn loại hình công ty hay lĩnh vực của phần mềm (domain) đó. Có cơ hội là nên tham gia ngay! Chỉ khi tham gia làm việc trực tiếp mới biết được chúng ta phù hợp với loại hình công việc đó không.

“Vạn sự khởi đầu nan” nên chúng ta phải luôn luôn cố gắng! Gặp khó khăn cũng không được nản. Áp lực và khó khăn hôm nay sẽ là sự thuận lợi cho ngày mai.

You Might Also Like

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *