♥ Vốn xuất thân từ ban xã hội với chuyên ngành ngoại ngữ, sau hơn một năm “bán mình cho tư bản”, tôi bén duyên với công việc IT Comtor. Mà IT (Information Technology – Công nghệ thông tin) là một lĩnh vực hoàn toàn xa lạ đối với tôi. Ban đầu, khi mới dấn thân vào lĩnh vực này, do không biết nhiều về chuyên ngành này nên nhiều lúc cứ “dịch đại” những gì tôi nghe và nhìn thấy. Song tôi hiểu, để có thể làm tốt hơn công việc của mình, việc xây dựng nền móng vững chắc, và giảm thiểu các trận “khẩu chiến” với đồng nghiệp (cả lập trình viên – developer hay gọi là dev, và tester) là rất cần thiết. Tôi không thể cứ mãi “mèo mù vớ cá rán” hay “cãi chày cãi cối” như thế được. Thế là tôi đã quyết định học thêm về ngành IT. Đi học, mà học cái gì, khoá học nào tốt cho IT Comtor thì tôi không biết!
Khi tìm hiểu trên mạng, cứ hễ nhắc tới IT là quá trời khóa học, nào là lập trình ngắn hạn, nào là các khóa học BA, PM, và Tester, v.v… Tôi như lạc trong thế giới IT. Một hôm, qua trao đổi về “mớ bòng bong” mà tôi đang đau đầu suy nghĩ với một đứa em “dân coder” trong công ty, em ấy đã giới thiệu cho tôi hai trung tâm dạy kiểm thử phần mềm. Với hai “từ khoá” này, sau vài ngày “điều tra”, tôi đã quyết định chọn khóa học kiểm thử phần mềm cho người mới – Fresher Tester – tại Testing VN vì nội dung khoá học khá phù hợp với kiến thức tôi đang cần tìm.
Xem thêm nội dung khoá Fresher Tester ở đây.
IT Comtor là gì?
Có thể định nghĩa công việc hiện tại của tôi như sau. IT Comtor được ghép từ 2 từ “IT” và “Comtor” – Trong đó IT là viết tắt của Information Technology, dịch ra là Công nghệ thông tin. Còn Comtor là viết tắt của chữ Communicator có nghĩa là người truyền đạt. Tới đây, chắc các bạn cũng đã mường tượng được công việc này sẽ làm gì rồi đúng không? Nói một cách dễ hiểu, IT Comtor là một thông dịch/biên dịch viên trong ngành Công nghệ thông tin. Chịu trách nghiệm biên dịch tài liệu hoặc tham gia các cuộc họp để phiên dịch từ tiếng Nhật sang tiếng Việt.
Khóa học Fresher Tester giúp ích gì cho IT Comtor?
Bỏ qua các khó khăn chung của người “ngoại đạo” (người không học ngành IT) khi tiếp xúc với ngành này như thuật ngữ chuyên ngành, khái niệm, tên gọi các thuật toán, ngôn ngữ lập trình, v.v… mà khi nhắc đến trong ngành sẽ hiểu nó là gì. Ví dụ như server, database hay DB, BE, FE,v.v… Thì dưới đây là một số lợi ích mà tôi có được qua khóa học Fresher Tester – FK65 này.
Xem thêm một số khó khăn của tester trái ngành
Giai đoạn học tập và khám phá
Khóa học này cung cấp cả lý thuyết và trang web để học viên thực hành, cùng với “một núi bài tập về nhà”, nhưng tôi vẫn thích các “kiến thức lẻ” được thầy cô chia sẻ trong buổi học hơn. Đó là kinh nghiệm làm việc thực tế của anh Sơn với chị An. Nhờ nó mà tôi “bớt ngu” hơn.
Khoá này còn cung cấp nhiều tài liệu trực tuyến (online) để tôi tìm hiểu thêm rất nhiều thuật ngữ khác được “khai phá” trong lúc học, nhờ đó tôi đã hiểu rõ và phân biệt được chúng, việc chuyển ngữ cũng trở nên dễ dàng và dễ hiểu hơn. Đặc biệt, có cả trang web thực hành để hiểu hơn UX là gì.
Trước khi tham gia khoá này, tôi hay dịch cho mấy anh dev là “Anh làm cái nút mà chỉ chọn được một cái thôi” hay “Anh làm cái nút để mình có thể chọn được nhiều như khi chọn topping trà sữa á”,… Đi học rồi mới biết đó là các nút dạng “radio” hay “checkbox”. Đối với một người mới bước vào nghề thì danh sách các thuật ngữ chuyên ngành và tên gọi các hạng mục thường gặp trên các ứng dụng web và mobile đã giúp mình có thể hiểu được người khác và ngược lại.
Hiểu developer hơn
Sau một thời gian tham gia khoá học, tôi xung phong làm “freelance tester”. Tức là, vừa làm việc chính là IT Comtor, vừa làm tester vào thời gian rảnh.
“Cái đó là tính năng không phải bug đâu bà cố ơi”, “Có hiểu flow hông zậy bà!”, “Có cái bug nhỏ xíu mà sửa lâu lắc lâu lơ!”, “Cái màn đó có nhiêu đâu mà làm hai ngày rồi chưa xong zậy!”,… là những lời “tương tác yêu thương” giữa tôi và các dev như chuyện thường ngày ở huyện. Khi đó tôi còn hay đi “kiếm chuyện” với mấy dev, nhưng mà sau hơn hai tháng tham gia khoá Fresher Tester này, những kiến thức mới đã giúp tôi, phần nào hiểu rõ hơn về quan điểm và những khó khăn của dev, giúp bản thân mình thấu hiểu và đồng cảm hơn với các anh em dev. Từ đó, mọi người trong team “tình thương mến thương” hơn và bớt đi nhiều trận “khẩu chiến.” Binh pháp Tôn Tử dạy: “biết người biết ta, trăm trận trăm thắng,” đúng là không sai vào đâu được!
Nhận ra điểm chưa phù hợp với công việc tester
Dù ban đầu không có ý định học để chuyển sang hẳn công việc tester. Nhưng qua khoá này, dù có muốn chuyển sang làm tester toàn thời gian, thì tôi nhận thấy bản thân chưa thật sự phù hợp với vai trò một tester – có thể giúp nhóm mình tạo ra các phần mềm tốt hơn thông qua các hoạt động kiểm thử.
Tôi vốn là một học sinh chuyên ban xã hội, nên việc nạp nhiều kiến thức chuyên ban tự nhiên và logic như thế này thật sự quá tải đối với bản thân mình. Ví dụ, khi học những bài về truy vấn dữ liệu bằng các câu SQL, hay các buổi học kiểm thử API bằng Postman, tôi thấy nó không phù hợp với sở trường của bản thân. Nhờ đó, tôi đã có quyết định rõ ràng và chắc chắn hơn về con đường sự nghiệp của mình trong tương lai, vẫn là một IT Comtor.

Cuối cùng, dù không chuyển hướng sang con đường của một tester chuyên nghiệp, nhưng những kiến thức từ khóa học này đã giúp ích rất nhiều trong công việc hiện tại (vẫn là một IT Comtor) và cải thiện đáng kể mối quan hệ với đồng nghiệp. Bản thân tôi cũng nhận ra rằng, không chỉ riêng ngành IT, việc nhìn nhận vấn đề ở nhiều khía cạnh khác nhau là vô cùng quan trọng, giúp mỗi cá nhân phát huy tối đa khả năng và thấu hiểu những khó khăn của nhau, để hỗ trợ nhau làm việc hiệu quả hơn. Dù khoá Fresher Tester là dành cho những ai muốn bắt đầu trong sự nghiệp kiểm thử phần mềm, nhưng nó rất có ích cho IT Comtor. Một trong những điểm thích nhất từ khoá học này là bằng cách “liên tục đặt câu hỏi tại sao” chúng ta sẽ hiểu rõ bản chất sự việc là gì. Qua đó, giúp mình truyền đạt nội dung chính xác và đầy đủ hơn khi chuyển ngữ các tài liệu tiếng Nhật sang tiếng Việt.
Ký tên: HN
Nguồn: Bài viết trên được chia sẻ bởi một bạn học viên lớp Fresher Tester khóa FK65. Một trong những điều kiện để cấp chứng chỉ cuối khóa là các bạn học viên phải viết một bài thu hoạch ngắn về mọi chủ đề mà các bạn chọn, xoay quanh lĩnh vực phát triển phần mềm và các chủ đề liên quan khác được duyệt bởi giáo viên.