Kinh nghiệm học tập

Tester trái ngành: Những khó khăn thường gặp

🍀 Nhiều bạn vẫn đang rất happy (vẫn thích và tìm thấy niềm vui trong công việc) với công việc kiểm thử phần mềm. Nhưng có bạn lại gặp nhiều khó khăn trở ngại và có thể tệ hơn là thấy chán nản với công việc này. Dưới đây là một số khó khăn thường gặp của các bạn trái ngành (không học công nghệ thông tin) muốn làm tester.

Bài viết này tổng hợp những khó khăn thường gặp qua một khảo sát gần 100 bạn tester đã, đang, và sẽ tham gia lớp Fresher Tester, do Testing VN thực hiện nội bộ.

Những khó khăn khi tìm hiểu về kiểm thử phần mềm

Khi bạn là trái ngành, và vì lý do nào đó bạn muốn chuyển sang làm tester. Trước tiên, bạn tìm hiểu trên mạng thông qua các diễn đàn, hội nhóm trên Facebook để xem tester là ai? Kiểm thử phần mềm là làm gì? Và cơ hội phát triển và mức lương của ngành này, v.v… Giai đoạn này quyết định bạn nào sẽ nản chí trước, vì thế cũng rất nhiều bạn đã trì hoãn hoặc bỏ luôn ý định chuyển việc sau vài ngày tìm hiểu trên mạng. Dưới đây là một số khó khăn được nhiều bạn đề cập nhất.

Thứ nhất, khi tự tìm hiểu về kiểm thử phần mềm trên mạng thì không biết hỏi ai. Và khi đặt câu hỏi trên một số diễn đàn và nhóm facebook thì không ai trả lời tận tình, chi tiết, mà đa số là dè bỉu đại loại như “học CNTT còn thất nghiệp đây nè, mấy bạn trái ngành nghĩ dễ ăn lắm.” Điều này rất dễ làm bạn tổn thương và tự ti hẳn. Và cảm thấy mình kém cỏi. Bạn nào vượt qua được, thì lại gặp ma trận thông tin tràn lan, không kiểm chứng làm cho bản thân mình bị mông lung và mất phương hướng, dẫn đến không chắc kiến thức mình học được có đúng không.

Thứ hai, có quá nhiều trung tâm đào tạo dẫn đến loạn. Các bạn gặp nhiều khó khăn trong việc tìm và chọn trung tâm đào tạo tester uy tín và chất lượng. Bên cạnh đó không có nơi hay tổ chức đáng tin cậy nào đứng ra đánh giá chất lượng đào tạo của các trung tâm này.

Thứ ba, có bạn nói “Sau 2 buổi tự học, em cảm thấy tester là một ngành khá khó.” Khó vì bạn không biết phải học gì và bắt đầu từ đâu.

Những khó khăn trong quá trình tham gia khoá học

Sau khi tìm hiểu, nằm vùng trong các hội nhóm trên Facebook, hỏi thăm và nhờ tư vấn bởi người quen, thì một số bạn quyết định đăng ký lớp Fresher Tester tại Testing VN.

Vì học trái ngành nên khi vừa mới bắt đầu tham gia khoá Fresher Tester, đa số các bạn đều thấy ngợp thông tin về công việc kiểm thử và rất nhiều thuật ngữ chuyên ngành kiểm thử (cả tiếng Anh và có giải thích bằng tiếng Việt) được sử dụng mỗi ngày trong nhóm phát triển phần mềm như release, deploy, product backlog, ứng dụng client-server, tier, session, multiple-factor authentication, permission, platform, v.v… Các bạn phải ghi chú và tự học lại qua video ghi lại buổi học để “thấm” và nắm chắc kiến thức hơn. Hơn thế nữa, tại Testing VN các bạn được học lại miễn phí nhiều lần trong 2 năm.

Trích đoạn trả lời của một bạn tham gia khảo sát:

“Mới biết đến lĩnh vực tester nên có nhiều kiến thức mới cần tìm hiểu, có những công cụ hỗ trợ chưa từng sử dụng qua. Dù không phải là trái ngành hoàn toàn nhưng thời gian đầu em vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận, kiểu hoang mang không biết mình có theo được nghề này hay không.”

Riêng những bạn yếu tiếng Anh (và vì không học công nghệ thông tin) thì khó theo kịp slide, nên phải dành thời gian để tra từ vựng và ghi chú vào sách trước khi học. Tuy nhiên, nếu hỏi trên nhóm lớp thì sẽ được giải thích nhanh và chính xác hơn là đi Google trên mạng.

Thêm vào đó, để cài đặt chương trình MS SQL Server phục vụ cho bài học SQL cơ bản (trích xuất một phần từ khóa SQL for Tester) mà các bạn đã mất đến 2 tuần để hoàn tất, nhiều bạn đã dự định đi cài lại Windows chỉ vì khi cài MS SQL cứ bị lỗi. Khi gặp lỗi, các bạn chưa có kỹ năng tìm kiếm thông tin liên quan trên internet cho tới khi được Mentor hoặc Trainer truy cập từ xa vào máy để hướng dẫn.

Với lỗi trên, các bạn biết tiếng Anh thì đã làm theo hướng dẫn: tải các file trong 4 link tương ứng về rồi chỉ định vào thư mục vừa tải về để đi tiếp. Còn những bạn tiếng Anh không tốt thì nghĩ “mình đã làm gì đó sai rồi” nhưng mà bạn đã hoàn toàn làm đúng theo hướng dẫn do giáo viên cung cấp (trong tài liệu chỉ mô tả “happy case” thôi 😀).

Để xử lý lỗi trên, các bạn chỉ cần quay lại các bước ở trước để bỏ chọn những phần này là xong.

Sau một hồi hỏi trên nhóm thì học viên này đã xử lý thành công việc cài đặt MS SQL cơ bản trên máy mình để tiến hành phục hồi (restore) một database (cơ sở dữ liệu) có sẵn do lớp Fresher Tester cung cấp để thực hành các câu lệnh truy vấn SQL.

Bên cạnh đó, để hỗ trợ các bạn tốt hơn, mỗi buổi học ở Testing VN đều được ghi lại video cho các bạn tiện theo dõi lại, hoặc tự học lại khi bận. Nếu bận công tác, bạn cũng có thể đăng ký học lại miễn phí lớp tiếp theo, nhiều lần trong 2 năm liên tục. Ngoài ra, nhóm Mentor là tester đã có “kinh nghiệm học trái ngành” (do các bạn xuất thân là “dân trái ngành”) sẽ đồng hành hỗ trợ review (xem và đánh giá) bài cho các bạn học viên, chia sẻ kinh nghiệm và sử dụng “cùng ngôn ngữ trái ngành” với các bạn nên dễ tiếp cận hơn.

Mời bạn xem thêm những áp lực của tester  trong những tháng đầu đi làm.

Những khó khăn trong giai đoạn tìm việc

Sau khi tự tham gia khóa học Fresher Tester xong thì chưa hẳn là đã hết khó khăn. Rất nhiều khó khăn và trở ngại khác dành cho các bạn tester trái ngành. Dưới đây là một số khó khăn được đề cập nhiều nhất trong khảo sát.

Điều đầu tiên là về tuổi tác. Trong quá trình tư vấn đăng ký khoá học bên mình luôn đặt câu hỏi “Nếu bạn là giám đốc nhân sự, team leader,… là người có quyền chọn lựa, và có 5 ứng viên nộp hồ sơ cho 1 vị trí Fresher Tester đang tuyển, bạn sẽ chọn ai trong số: mới ra trường, 25, 30 tuổi?” 99% các bạn trả lời sẽ chọn mấy bạn mới ra trường. Ở đây là mình chưa đề cập ngành học, chỉ đề cập tuổi. Tại sao mọi người thích chọn ứng viên trẻ tuổi cho vị trí Fresher (mới vào nghề)? Đơn giản là vì ai cũng nghĩ “tre non dễ uốn.” Do đó, hồ sơ của các bạn tuổi ngoài 30 mà nộp cho vị trí Fresher Tester thường bị gạt sang một bên, làm cho các bạn mất cơ hội được gọi lên phỏng vấn.

Thứ hai, không nhiều công ty tuyển Fresher Tester, vì cần người làm được việc có thể tham gia ngay vào dự án (thường đang bị cháy) để hỗ trợ cho nhóm. Chỉ những công ty lớn, họ có kế hoạch dài hạn thì tuyển thực tập sinh (intern) hoặc fresher để đào tạo, nhưng lại ưu tiên các bạn sinh viên ngành Công nghệ thông tin vì các bạn tham gia các chương trình này sẽ được nhận lương. Và sau thời gian thử thách 2-3 tháng, bạn nào được nhận lại sẽ phải ký cam kết làm việc cho công ty ít nhất một đến hai năm. Nếu nghỉ trước phải đền bù một khoảng không hề nhỏ, khoảng trên 20 triệu, là “chi phí đào tạo.” Sau thời gian cam kết, bạn hoàn toàn có thể nghỉ công ty đó và tìm kiếm cơ hội mới mà không phải đền bù gì.

Khó khăn thứ ba mà các bạn trái ngành gặp phải là nhiều công ty ưu tiên các bạn có nền tảng IT hơn (đã học các ngành liên quan đến công nghệ thông tin như ngành công nghệ phần mềm, phần cứng, khoa học máy tính, hệ thống thông tin quản lý, hay mạng máy tính,…) vì họ có mong muốn sẽ hướng các bạn làm chuyên về kỹ thuật và có kế hoạch đào tạo kiểm thử tự động cho các bạn trong tương lai. Điều này cũng làm cho nhiều bạn RẤT KHÓ đậu vào công ty yêu thích/mong muốn/mơ ước.

Thứ tư, sau bao nhiêu nỗ lực “rải CV” cũng được đền đáp thì lại gặp một khó khăn cực kỳ lớn khi đối mặt với câu hỏi của nhà tuyển dụng “vì sao bạn đổi ngành?” hay “vì sao bạn học ngành abc mà muốn làm tester?”

Tiếp theo là bằng cấp, nhiều bạn đã từng đang học CNTT hay ngành gì đó rồi vì khó khăn tài chính nên bỏ ngang, sau bao nhiêu năm bươn chải nay muốn bắt đầu lại với ngành “việc nhẹ lương cao” (nghe nhiều người đồn vậy) và bắt đầu với vị trí tester thì lại gặp trở ngại lớn là nhiều công ty chỉ tuyển những bạn có bằng Cao đẳng hoặc Đại học. Điều này làm cho các bạn rất dễ nản chí.

Nhiều khó khăn trên khiến cho nhiều bạn vẫn thấy mặc cảm, tự ti vì mình là dân trái ngành, và rất ngại gửi CV hay trao đổi với HR, hay cả khi đi phỏng vấn là run không trình bày được gì hoặc là KHÔNG DÁM đưa ra mức lương như mong muốn của cá nhân (ví dụ bản thân muốn 8 triệu nhưng sợ không được nhận nên nói 6 triệu) dẫn đến các bạn gặp thiệt thòi trong suốt thời gian làm việc tại công ty do phần lớn một năm mới được xét lương một lần.

Ngoài ra còn có một khó khăn khách quan nữa là, đối với các bạn không ở TP.HCM hay TP.Hà Nội, như Đà Nẵng, Huế, Nha Trang, Cần Thơ, v.v… sau khi học xong (thông qua hình thức học online trực tuyến) thì rất ít công ty tuyển tester ở đó. Mà Fresher Tester thì lại hiếm công ty nào tuyển theo hình thức làm việc từ xa (remote). Hổng lẽ giờ phải chuyển đến TP.HCM hay TP.Hà Nội?

Một điều may mắn là nhiều cựu học viên đã từng tham gia khoá Fresher Tester và các khoá khác tại Testing VN, nay đã là Senior hay Leader, họ hiểu được nội dung và cách dạy của anh Sơn và chị An nên thường xuyên nhờ gửi CV của các bạn Fresher Tester vừa “tốt nghiệp” mà không cần quan tâm bằng cấp hay ngành học trước đây. Họ cũng phỏng vấn và chọn lựa chứ không phải nhận bừa, vì vậy cũng 3 bạn được nhận trên 10 bạn nộp CV. Một số công ty không lớn nhưng có đến 6 bạn tester “chung lò TVN” nhưng khác khoá đang làm việc cùng nhau.

Công nghệ thông tin

Những khó khăn trong 6-12 tháng đi làm đầu tiên

Sau khi trải qua muôn vàn khó khăn, cuối cùng bạn đã được nhận. Có bạn đã từng bị rớt nhiều công ty, suy sụp tinh thần nhưng vẫn không chịu bỏ cuộc thì được đền đáp là nhận được 2-3 offer. Nhưng chưa hết, có vẻ càng về sau càng gian nan, giai đoạn này các bạn lại gặp nhiều khó khăn khác.

Trước tiên, mình muốn đề cập một số điều tích cực mà một số bạn may mắn có được, đó là một số bạn đi làm thì cảm nhận đầu tiên là ít drama hẳn so với công việc cũ. Đồng nghiệp suy nghĩ tích cực và hỗ trợ nhau hơn so với ngành cũ. Đặc biệt những bạn trước đây làm sales thì nói “công việc phù hợp bản thân, không phải đi sale, nhậu nhẹt, hay giao tiếp ngoài giờ quá nhiều” hay “khác xa với công việc cũ”

Hoặc “trái ngành cũng nhiều cái không bằng các bạn đúng ngành nên cũng phải hỏi nhiều, nhưng được cái môi trường em làm mọi người rất nhiệt tình chỉ dạy, kể cả những cái nhỏ nhặt như clear cache, remove cookies để logout.” đây là một bạn tester may mắn khác.

Tuy nhiên, nhiều bạn bị áp lực khi developers (lập trình viên – viết tắt là dev) không hoà thuận và không hỗ trợ tester, hoặc nhiều dev nói chuyện hơi cộc cằn và coi thường tester. Kết quả là các bạn thấy mệt mỏi và stress hơn công việc cũ (vốn đã quen việc sau nhiều năm ở vị trí đó). Có bạn phải thốt lên “áp lực vì dev this dev that.”

Để “có kinh nghiệm tester” nhiều bạn bất chấp khoảng cách từ nhà đến công ty, xa tận 20km vẫn nhận việc. Sau một thời gian ngắn, các bạn bắt đầu “nhà xa ngán đi.” Tương tự, nhiều bạn chấp nhận “lương bao nhiêu cũng được” do giai đoạn này cần nơi áp dụng kiến thức đã học để lấy kinh nghiệm làm việc là chính thì sau vài tháng lại thấy thất vọng do lương không trang trải được cuộc sống như mức lương cũ (nhiều bạn cho biết lương mới thấp hơn lương cũ từ 2 đến 6 lần).

Trường hợp khác là ngoại ngữ. Nhiều bạn vào làm việc trong dự án luôn chứ không được đào tạo hay dẫn dắt bởi Tester Leader (như mong đợi) và vốn tiếng Anh ít ỏi phải gồng mình, căng tai để nghe xem khách hàng hoặc PM (người nước ngoài) nói gì, và luôn phải đi hỏi lại làm ảnh hưởng công việc của đồng nghiệp. Hoặc khi họ nói thì mình hiểu người ta nói gì, nhưng họ không hiểu mình nói gì >> cảm thấy vô vọng. (Một bạn trả lời khảo sát: “Yếu TA, lv trực tiếp PM ng nc ngoài, áp lực”).

Trường hợp khác, “Không có QC lead, lv trực tiếp BA, họp với KH, ko đc training và bị đẩy ra làm dự án, bị đuối trong việc cân bằng giữa công việc, học hỏi và việc cá nhân.”

Hay như là, “Sau thời gian thử việc, em bắt đầu thấy mệt với việc ngày nào cũng giục dev bàn giao code đúng hạn để test, trong buổi họp cũng rất nhiều lần trao đổi về vấn đề này nhưng chưa có cách giải quyết triệt để.” Đây thì công ty nào cũng gặp, bất kể tester mới hay cũ, trái ngành hay học chuyên ngành công nghệ thông tin.

Nhiều trở ngại khách quan khác như “Cty ko đóng BH full lương, thua cty cũ” (nghĩa là công ty đóng bảo hiểm trên số tiền thấp hơn lương thực lãnh). Điều này làm cho các bạn không hài lòng hoặc hết mình cống hiến. Ngoài ra, một số ít bạn bị ép lương với lý do là “trái ngành,” thay vì nhận chính thức thì công ty chỉ coi như là thực tập sinh có hỗ trợ tiền cơm xăng trong 6 tháng dù công việc là như mọi người, nên làm cho các bạn tester trái ngành thấy nản lòng.

“Không biết đọc code nhưng công ty chuyên làm API, hầu như sử dụng Postman rất ít mà sử dụng log là chính. Sản phẩm đã làm qua nhiều Sprint nên có nhiều thứ BA sẽ không đề cập và người mới rất khó khăn để tìm tài liệu và dữ liệu liên quan. Khi leader chỉ phải ghi nhớ vì không có thời gian để chỉ lại, và Leader thì thao tác rất nhanh.” Đây là trả lời khảo sát của một bạn trong số nhiều bạn tester trái ngành gặp khó khăn khi làm việc trong dự án cần phải đụng đến mã nguồn (source code) và API hay Database nhiều.

Về công việc, một bạn cho biết “Khó định hướng được con đường sự nghiệp tiếp theo do bị phụ thuộc vào công việc ở công ty hiện tại đang làm. Khi định hướng được rồi thì lại không biết nên bắt đầu từ đâu.” Đây là điều thường xảy ra với những công ty nhỏ, không có bộ phận xây dựng và đào tạo con người dẫn đến các bạn mông lung, không biết nên phát triển theo hướng nào và chỉ tập trung làm công việc hằng ngày như một cái máy. Sau vài năm muốn nhảy công ty thì lại thất vọng do phỏng vấn ở đâu cũng không đạt dù mang cái mác “3 năm kinh nghiệm.”

Mời bạn xem thêm những áp lực của tester  trong những tháng đầu đi làm.

Lời khuyên của những tester trái ngành đi trước

Testing VN đã tham khảo ý kiến của một số bạn tester trái ngành đang đi làm được vài năm, và dưới đây là tổng hợp một số lời khuyên của các bạn.

Theo kinh nghiệm tự bơi nhiều năm của một bạn, thì các bạn hãy luôn cố gắng, kiên trì, và nhẫn nại trong những lúc gặp khó khăn. Hãy nghĩ về lý do tại sao mình muốn chuyển sang công việc tester. Và nhất là đối với những bạn fresher trái ngành, mình nghĩ các bạn nên ưu tiên tìm và nộp hồ sơ vào những công ty nào có QA/QC hay Test Leader để được giúp đỡ và có người định hướng cho mình tốt hơn. Họ hướng dẫn những thứ mình cần học hỏi và những điều mình còn thiếu.

Một bạn khác có lời khuyên: không được nản. Các bạn phải luôn giữ vững tinh thần lạc quan và sẵn sàng cho mình một mindset (tư duy) là công việc mới luôn không hề dễ dàng. Và trong lúc tìm việc thì cũng nên mạnh dạn, không phải là làm liều mà là tự tin hơn một tí để cho mình thêm cơ hội, ví dụ hiện tại mình đang cần việc nên mục tiêu quan trọng nhất ở đây là có được việc làm, thế nên những thông báo tuyển dụng 6 tháng đến 1 năm kinh nghiệm, mình cũng liên hệ HR để nộp hồ sơ. Dĩ nhiên là đừng có dại mà nộp CV vào những công việc ghi Junior hay Senior tester.

Một số lời khuyên khác cho các bạn tester đang gặp khó khăn trong việc định hướng cho bản thân sau thời gian thử việc:

  • Các bạn nên “bám theo” một hoặc nhiều người giỏi: Đây sẽ là tấm gương, kim chỉ nam, người xây dựng những viên gạch đầu tiên cho con đường trở thành tester và cũng là những người sẽ đưa ra lời khuyên cho bạn sau này. Chọn những ai hợp “gu” rồi đeo bám 😈
  • Nên “tập hợp” những người cùng cảnh ngộ: Trong 3 tháng đầu đi làm sẽ siêu stress và nhiều áp lực, rất cần người bạn chia sẻ kinh nghiệm, tâm sự, và động viên, vì thế bạn nên tham gia hoặc tạo ra một nhóm bạn vài bạn tester. Có thể thấy hợp nhau trong lớp học, hoặc trên hội nhóm nào đó ❤️
  • Nên học gì: khi còn là tờ giấy trắng thì nên học chắc một cái căn bản. Bản thân mình thì trước đó là fresher tester, học xong thì xin việc ngay, ban đầu làm intern sau đó được nhận làm fresher. Và bạn nên làm ít nhất 6 tháng thì bắt đầu học tiếp cái khác. Hồi xưa bản thân mình rất tham nên đòi học nhiều thứ cùng lúc như ISTQB, automation các kiểu xong lúc vào học thì muốn bổ ngửa vì mình chưa có cái nền tảng ban đầu =)))) Hên là được học lại miễn phí trong 2 năm nên mình có thời gian để chuẩn bị và đi học lại.
  • Chọn công ty: khi chưa có gì để chứng tỏ bản thân thì KHÔNG NÊN kén chọn, làm bất cứ công ty nào có việc cho mình, cứ có offer là nhận ngay. Từ từ làm rồi kinh nghiệm sẽ được tích lũy. Công ty product hay outsource, công ty Việt Nam hay nước ngoài, có mentor hay không có ai hướng dẫn đều nên nhận. Thời điểm này chúng ta cần nơi áp dụng kiến thức đã học (hoặc tự học), điều này mới quan trọng.
  • Tiếp tục học nâng cao: Sau 6 tháng đến một năm làm việc thì có thể bắt đầu suy nghĩ đến con đường sau này mình sẽ phát triển rồi từ đó tham khảo và tìm học những thứ cần thiết. Đừng ham học quá trời thứ từ đầu. Sẽ quên nhanh sau 1 năm không được áp dụng.

Trên đây là một số khó khăn mà đa số các bạn tester trái ngành gặp phải, hi vọng giúp bạn có thêm thông tin hữu ích để đưa ra quyết định có nên chuyển ngành sang làm tester.

Hoàn cảnh khó khăn luôn giúp ta vững vàng hơn!

You Might Also Like

One comment

  1. 1

    Trước khi là fresher, không có ai training gì hết mà khi cho em làm dự án em vui và tự tin cực kỳ, có thể còn nhiều thiếu sót nhưng mọi thứ đều theo rules mình học.
    Giờ em đã chuyển việc đang thử việc ở một công ty, có người training nhưng khi nói cho làm riêng một dự án áp lực kinh khủng. Ngày nào về em cũng như bị cạn năng lượng không làm gì nổi, ở công ty thì bí bách . Quá buồn luôn ạ 🙁

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *