Kinh nghiệm học tập, Kinh nghiệm phỏng vấn Tester, Kỹ năng mềm

3 Điều Tester Cần Lưu Ý Khi Đặt Câu Hỏi

Cách đặt câu hỏi của Tester phản ánh tư duy của họ
Cách đặt câu hỏi của Tester phản ánh tư duy của họ

Cách đặt câu hỏi của bạn sẽ khiến người khác muốn trả lời hoặc không. Đặc biệt là khi bạn họp với khách hàng, đối tác, hoặc nhóm phát triển phần mềm bao gồm PM, BA, Developer, Designer và những bạn Tester khác trong team.

Có bao giờ trong các hội nhóm trên Skype, hoặc mạng xã hội Facebook, khi bạn đặt câu hỏi nhưng không nhận được phản hồi tích cực từ những thành viên xung quanh. Thậm chí có những nhóm hơn 10 ngàn thành viên nhưng chỉ có 3 người trong số đó, trả lời câu hỏi của bạn.

Một số điều cần lưu ý khi đặt câu hỏi

Cách bạn hỏi làm mọi người không muốn trả lời, nhận được ít phản hồi, hoặc có trả lời nhưng đó không phải là thông tin/vấn đề mà bạn đang mong đợi, hoặc nó không giải quyết vấn đề của bạn.

Nên làm gì trước khi hỏi?

Hẳn là bạn đã từng thấy những câu hỏi có dạng như sau trên các nhóm và diễn đàn:

  • Mọi người ơi test cái này thế nào?
  • Em đang test mobile ai có test case mẫu không cho xin với!
  • Cả nhà ơi cho hỏi cách test 1 trang web kế toán?
  • Mình đang test api, không có tài liệu thì phải làm sao?
  • Cho hỏi bộ test case cho kiểm thử sàn thương mại điện tử thì phải như thế nào?

Điểm chung của những câu hỏi, hoặc đề nghị giúp đỡ như trên là “lười suy nghĩ.” Cách hỏi này là cách hỏi tương đối hời hợt, nhất là khi chúng ta vào hỏi một cộng đồng đông đảo. Thường những người có kiến thức và kinh nghiệm họ sẽ khó kiên nhẫn trả lời cho các bạn. Không phải họ không muốn, mà vì phạm vi câu hỏi của bạn quá rộng.

Dù bạn là fresher tester, hay là tester có kinh nghiệm, thì lối tư duy này là hoàn toàn không tốt. Nếu bạn là sinh viên sắp ra Trường và bạn đang học bài này, thì bạn tuyệt đối phải thay đổi tư duy, thái độ và cách đặt câu hỏi ngay lúc này, nó giúp ích cho bạn trong công việc sau này. Trong công việc, nếu câu hỏi không đúng sẽ dẫn đến mất thời gian của người trả lời, thậm chí là của cả bạn nữa. Những người chịu trách nhiệm trả lời thường người đưa ra yêu cầu như khách hàng, hoặc viết tài liệu yêu cầu như PM, BA. Họ luôn bận rộn nên với những câu hỏi không rõ ràng, họ sẽ từ chối (reject)

Trước khi hỏi, bạn hãy dành thời gian để tự tìm kiếm câu trả lời. Bạn hãy thử sử dụng Google để tìm kiếm một số từ khoá liên quan. Keyword (từ khoá) thì không nên là cả 1 câu hỏi của bạn. Mà bạn nên tách ra thành các cụm nhỏ để tìm kiếm được nhiều thông tin hơn. Bạn nên tự tìm kiếm câu trả lời bằng cách trực tiếp làm, ví dụ như về kiểm thử tự động, rồi chụp hình (có thể xoá bớt thông tin cá nhân nếu cần) rồi hỏi cách giải quyết, xử lý cụ thể cho vấn đề, hoặc bước mà bạn gặp lỗi.

Hỏi sao cho hay?

Có hai vấn đề cần nói ở đây là: cách hỏi cách tư duy.

Sửa lại sao cho hay?

  • Bạn nên tự tìm hiểu vấn đề mình cần hỏi. Như mình đã đề cập ở trên.
  • Tóm gọn lại vấn đề theo 3 ý chính sau đây:
    1. Em đang muốn test domain X
    2. Theo tìm hiểu được thì việc này cần các mục A, B, C
    3. Tuy nhiên em vẫn còn thắc mắc ở chỗ X, Y, Z

Tại sao cần sửa như vậy?

Thứ nhất, bạn cần phải cho người ta thấy là bạn hiểu điều bạn đang muốn biết là gì. Bạn thật sự biết bạn đang thắc mắc cái gì, chỗ nào. Và nó cũng thể hiện được bạn đã đầu tư thời gian công sức vào tìm hiểu vấn đề này chưa. Hay bạn chỉ là người đi “xin kết quả” từ kiến thức và kinh nghiệm của người khác để làm xong việc của mình. Điều thứ hai, thông qua đó, người nhận câu hỏi sẽ thấy rằng: À, bạn này thật sự đã tìm hiểu nhưng đang vướng mắc ở vấn đề… giống mình hồi xưa khi mới bắt đầu vào con đường kiểm thử phần mềm, làm test automation, hoặc tự học lập trình. Nhìn vào câu hỏi, người đọc có thấy bóng dáng của họ trong đó.

Không phải trên máy ai cũng có sẵn mọi thứ (môi trường, tool, v.v…) như vấn đề mà bạn đang hỏi. Gặp trường hợp, người chưa biết câu trả lời, nhưng họ tò mò, cầu thị, sẵn lòng giúp bạn, thì họ sẽ bắt đầu mày mò làm giống các bước mà bạn đã trình bày trong câu hỏi, để tìm cách giải quyết và trả lời giúp bạn. Người có kinh nghiệm và đã từng gặp vấn đề thì họ nhớ lại và trả lời cho bạn ngay tức thời nếu nó không tốn quá 5 phút để gõ câu trả lời.

Kết quả, khả năng bạn nhận được câu trả lời, và chất lượng của câu trả lời luôn sẽ cao hơn.

Nên cải thiện từ đâu?

Mình lấy ví dụ từ một câu hỏi phỏng vấn.

Làm sao bạn có thể viết test case cho một ứng dụng mà anh chị chưa bao giờ dùng?

Với câu này, có nhiều cách để trả lời, nhưng cách trả lời dễ hiểu, dễ chấp nhận nhất là:

Mình sẽ xem xét những sản phẩm cùng thể loại (domain) ví dụ như mạng xã hội thì cứ xem Facebook, Twitter họ làm, còn nếu là thương mại điện tử thì Amazon, Tiki, Lazada. Qua quá trình sử dụng thử đó, bạn cần quan sát, và xác định được những tính năng nào là chính cho loại hình ứng dụng đó. Ví dụ Facebook, thì có post bài (hỗ trợ cả chữ và hình), chia sẻ, comment, và thông báo (notifications), còn thương mại điện tử thì tìm kiếm sản phẩm, giỏ hàng, thanh toán, theo dõi đơn hàng (trong quá trình giao hàng).

Trong công ty, khi nhóm bạn sắp tham gia dự án phát triển, bảo trì sản phẩm mới (mà bạn chưa từng gặp, bạn chưa biết phải làm thế nào), bạn hãy thử tìm hiểu xem sản phẩm đó thuộc về lĩnh vực nào (hỏi PM, hoặc qua các cuộc họp sơ bộ), sau đó bạn tức tốc lên mạng tìm các sản phẩm cùng loại, các bài báo để tìm hiểu về lĩnh vực đó. Để khi có tài liệu yêu cầu thì bạn đọc sẽ rất dễ hiểu.

Hi vọng chia sẻ ngắn này giúp ích được xíu nào đó cho các bạn có thể điều chỉnh lại cách đặt câu hỏi của mình. Giúp bạn nhận được câu trả lời chính xác, đúng thứ mình cần hỏi.

Happy Testing!

You Might Also Like

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *