Kinh nghiệm phỏng vấn Tester, Tư vấn khoá học

10 câu hỏi về Tester

♥️ Làm tester có khó không, công việc hằng ngày là gì, cần biết tiếng Anh hay học công nghệ thông tin không, lương bao nhiêu là những câu hỏi mà mọi người hay thắc mắc về công việc kiểm thử phần mềm – gọi chung là tester. Dưới đây là chia sẻ của anh Sơn về những câu hỏi hay được hỏi nhất trong nhiều năm tư vấn cho học viên các khóa học kiểm thử phần mềm tại Testing VN.

Tester có cần biết lập trình không?

Không phải lúc nào cũng cần sử dụng kiến thức lập trình để kiểm thử. Ví dụ như khi tham gia các dự án gia công phần mềm (outsource) thì tester/QC tập trung phân tích tài liệu như SRS hay spec (viết tắt của requirement specification) để viết test cases, và sau đó thì thực thi bộ test case này để đánh giá xem ứng dụng do lập trình viên viết ra có đáp ứng hết yêu cầu đã đề ra hay chưa. Đây là một ví dụ điển hình của kiểm thử hộp đen (black-box testing), ở đây sẽ không cần kiến thức lập trình nhiều mà sẽ cần kiến thức về lĩnh vực chuyên môn của phần mềm đang được phát triển. Ví dụ như ngành ngân hàng, kế toán, hay bảo hiểm.

Tuy nhiên, với những dự án phát triển phần mềm phục vụ cho các công ty phát triển phần mềm như viết plugin trên Jira, tự động hoá các tác vụ liên quan đến điện toán đám mây như AWS, v.v… thì tester cần phải hiểu về cách hoạt động của hệ thống phần mềm, mạng máy tính, và nhiều thuật toán khác nữa mà đã được học trong thời sinh viên công nghệ thông tin (CNTT). Lúc này, nếu không hiểu về VPN là gì, mạng máy tính hoạt động như thế nào, một hệ thống web sẽ hoạt động ra sao, thì khó có thể hiểu và kiểm thử hiệu quả.

Công việc Tester có đòi hỏi phải giỏi tiếng Anh không?

Cần tiếng Anh hay ngoại ngữ khác hay không thì tuỳ vào công ty và dự án bạn sẽ tham gia. Nhiều bạn làm cho Viettel hay FPT Software tham gia các dự án số hóa cho các ban ngành tại Việt Nam thì phần lớn sẽ không cần trao đổi bằng tiếng Anh. Hoặc nhiều công ty gia công phần mềm cho Nhật, hầu như tài liệu tiếng Nhật sẽ được dịch sang tiếng Việt, nên không cần tiếng Anh khá giỏi để tham gia. Trong trường hợp này, nếu có tiếng Nhật tốt cũng là cơ hội lớn cho bạn. Trong khi đó, để làm việc với các đối tác ở Châu Âu, Mỹ thì dù gia công phần mềm các bạn cũng cần biết tiếng Anh, ít nhất là đọc hiểu tài liệu và để viết test case bằng tiếng Anh. Còn nếu làm công ty nước ngoài thì phần lớn phải cần tiếng Anh để trao đổi trực tiếp với đồng nghiệp cũng như khách hàng ở nước ngoài.

Tóm lại, tuỳ bạn nhắm đến công ty nào thì sẽ có câu trả lời chính xác nhất. Nhưng dù bạn làm cho công ty nào đi nữa thì nếu có tiếng Anh tốt bạn sẽ có nhiều cơ hội tự học hỏi và tìm hiểu thêm về kiến thức kiểm thử phần mềm để phát triển bản thân.

Mời bạn xem thêm bài này để hiểu thêm về nghề tester.

Công việc hằng ngày của Tester là gì?

Có thể nói công việc chính của tester là phân tích tài liệu, viết test case, và thực thi các test case đó trên phần mềm để đánh giá chất lượng của nó. Tuỳ vào giai đoạn của dự án mà công việc cụ thể của tester sẽ khác nhau. Ở giai đoạn đầu, tester phần lớn tham gia các buổi họp chia sẻ về yêu cầu của hệ thống (phần mềm mà nhóm đang phát triển), đọc hiểu tài liệu và phần chức năng được giao để viết test case nên kỹ năng phân tích và cách đặt câu hỏi rất quan trọng – Nó giúp bạn nắm rõ và hiểu đúng yêu cầu. Nhưng ở những giai đoạn về sau, thì sẽ tập trung vào công tác chuẩn bị dữ liệu và thực hiện kiểm thử trên hệ thống trước khi bàn giao nó cho khách hàng.

Trong các dự án Agile, thì tester sẽ tham gia cùng lập trình viên, họp phân tích yêu cầu, viết test case và kiểm thử ngay trong một hoặc hai tuần. Ngoài ra, có thể không có nhiều thời gian để viết test case chi tiết, thì các bạn ấy sẽ viết checklist dự vào các user story rồi “chạy test” luôn.

Ngoài việc kiểm thử, một công việc rất quan trọng của tester là báo lỗi (report bug) được phát hiện trong quá trình kiểm thử. Cần cung cấp thông tin ngắn gọn đầy đủ để lập trình viên có thể debugging (gỡ lỗi) và sửa lỗi.

Tester có được làm việc từ xa (remote) không?

Cũng như các lập trình viên (hay gọi là DEV – developer), thì tester làm việc trên máy tính, nên hoàn toàn có thể ngồi ở bất kỳ đâu trên trái đất này, miễn có internet (kết nối mạng) là có thể làm việc được. Nhất là từ giai đoạn Covid, mọi người bị “cô lập” với nhau nên phải làm việc tại nhà. Sau giai đoạn này, vấn đề được làm việc ở nhà toàn thời gian (remote – làm việc từ xa) hoặc kết hợp mỗi tuần lên công ty 1-2 lần (gọi là hybrid) được mọi người quan tâm nhiều hơn. Nhiều công ty điều chỉnh chính sách làm việc để thúc đẩy, và xem vấn đề này là một trong những lợi ích nhằm thu hút nhân tài. Chính vì vậy, tuỳ chính sách và quy định của mỗi công ty mà tester có được làm việc ở nhà hay không.

Fresher Tester có làm freelancer được không?

Trước tiên cần phải hiểu “freelancer” là chỉ những người làm việc tự do, không bị ràng buộc bởi một công ty nào đó (ký kết hợp đồng lao động có thời gian, hoặc không xác định thời hạn). Ngày nay, công việc tự do được thúc đẩy nhiều là nhờ có nhiều nền tảng hỗ trợ như Upwork, Fiverr, Freelancer, và nhiều nền tảng khác.

Các nền tảng chuyên về ngành phát triển phần mềm và kiểm thử phần mềm thì có uTest, Test IO,… Các bạn tester có nhiều thời gian rỗi có thể đăng ký làm thêm trên các nền tảng này để cải thiện thu nhập cũng như nâng cao kỹ năngkinh nghiệm kiểm thử phần mềm. Tuy nhiên, đa phần công việc ở đây phần lớn đến từ nước ngoài, nên ngoại ngữ (chủ yếu là tiếng Anh) là yêu cầu tối thiểu – Bạn cần phải giao tiếp được với người đưa ra yêu cầu, có thể chỉ là chat, và đọc tài liệu, nhưng đôi khi phải gọi trao đổi qua các ứng dụng như Google Meet, MS Teams, hay Slack.

Bên cạnh đó, để bạn có thể tự làm việc được thì đòi hỏi kiến thức và kinh nghiệm nhất định. Vì thế, với Fresher Tester, dù bạn đã tham gia một hay vài khoá học nào đó thì khả năng “tự làm việc” mà không cần người hướng dẫn sẽ không cao. Nên sẽ rất khó để có thể bắt đầu làm tự do ngay từ đầu. Tốt nhất, bạn nên tìm một công ty nào đó để làm việc, rèn luyện kỹ năng chuyên môn cho tốt trước khi nghĩ đến làm việc tự do.

Tester cần biết SQL và API không?

Không phải dự án nào tester cũng được đụng vào cơ sở dữ liệu (DB – database) nên không nhất thiết phải biết SQL mới làm tester được. Tuy nhiên, nếu một tester biết lập trình (viết) các câu truy vấn SQL thì sẽ dễ dàng hơn trong quá trình kiểm thử. Ví dụ như tự truy vấn trực tiếp trong DB để xem thông tin gì đó, và so sánh nó với thông tin trên UI – sau khi đã được xử lý bởi chương trình/hệ thống thì có đúng với tài liệu mô tả yêu cầu hay chưa.

Tương tự, về API thì không phải lúc nào cũng cần biết. Một số chương trình hay hệ thống phần mềm được lập trình theo phương pháp cũ cũ thì sẽ không có API. Vì thế mình cũng không cần biết API là gì, nó hoạt động như thế nào thì cũng có thể kiểm thử được thông qua thao tác trên giao diện (UI – User Interface) của ứng dụng. Nếu bạn có kiến thức về API thì có thể tự tin tham gia các thể loại dự án khác nhau. Khi đó, bạn sẽ có nhiều lựa chọn hơn.

Tố chất hợp với công việc tester là gì?

Nếu nói cẩn thận, tỉ mỉ thì mọi công việc đều cần hai yếu tố đó chứ không riêng gì kiểm thử phần mềm. Nhưng vì tính chất công việc và một trong những mục tiêu của kiểm thử phần mềm là tìm lỗi, giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, hoặc nói cách khác là giảm lỗi xảy ra trong quá trình vận hành / sử dụng thực tế nên tester đòi hỏi phải cẩn thận – không thể ẩu được.

Để phân tích và hiểu được yêu cầu thì tester cần nắm vững kiến thức nền tảng và các kỹ thuật kiểm thử phần mềm để viết test case hiệu quả. Điều này cần khả năng phân tích (analysis skill) và kiến thức về lĩnh vực liên quan đến nghiệp vụ của phần mềm.

Ngoài ra, để kiểm thử hiệu quả (nhất là tìm được nhiều lỗi nhất có thể) thì tester cần tính tò mò. Luôn hỏi tại sao hoặc “chuyện gì sẽ xảy ra nếu như người dùng thao tác …” (cần điền vào chỗ trống để ra câu hỏi phù hợp).

Và chắc chắn là trong quá trình kiểm thử, tester sẽ bắt được bug (hiểu nôm na là lỗi) thì phải báo cáo lên hệ thống (mọi người hay gọi là “post bug”) để lập trình viên viết. Đôi khi sẽ có những bug bị dev từ chối vì lý do không được đề cập trong tài liệu mô tả yêu cầu. Lúc này, bạn cần kỹ năng giao tiếp, trình bày vấn đề để làm việc cho hiệu quả hơn. Ngoài ra trong quá trình làm việc, tester phải tiếp xúc và trao đổi với PM (Product hoặc Project Manager) hay BA (Business Analyst) hoặc thậm chí là khách hàng, nên kỹ năng trình bày vấn đề rất quan trọng. 

Nghề tester phù hợp với độ tuổi nào?

Thật ra thì không có quy định nào về độ tuổi cho các bạn tester. Theo luật lao động ở Việt nam thì độ tuổi từ 18 đến 65 là làm việc tốt ^^. Tuy nhiên, ngày nay có nhiều công khởi nghiệp, mà sếp là sinh viên mới ra trường hoặc đã ra trường vài năm, thì độ tuổi của đội ngũ nhân viên phải tương đồng nên mới có “yêu cầu ngầm” về độ tuổi của ứng viên. Hiện cũng có rất nhiều công ty nước ngoài, họ không quan tâm tuổi tác, mà chỉ quan tâm đến tư duy, cách suy nghĩ của bạn và khả năng của bạn có đáp ứng được yêu cầu công việc hay không. Họ đánh giá bạn qua bài kiểm tra đầu vào và các vòng phỏng vấn về kỹ thuật cũng như phỏng vấn về văn hoá làm việc. Mình biết nhiều bạn 9x đời đầu cũng được nhận vào làm ở vị trí thấp nhất.

HR đang cầm trong tay 5 CV bao gồm các ứng viên có độ tuổi khác nhau cùng nộp vào 1 vị trí Fresher Tester, nếu bạn là sếp, bạn sẽ chọn CV có độ tuổi nào để phỏng vấn?

Với các vị trí thấp, thì tuổi càng thấp càng nhiều cơ hội hơn. Nhưng nếu tuổi là điểm yếu không tránh được, thì bạn có thể tăng điểm mạnh của mình bằng kiến thức và kinh nghiệm làm việc trong ngành khác của bản thân.

Lương khởi điểm của tester là bao nhiêu?

Theo quan sát từ các bạn học viên lớp Fresher Tester tại Testing VN, thì trung bình mức lương khởi điểm của tester ở mức thấp nhất (là Fresher hoặc Associate) dao động từ 8 đến 12 triệu đồng (tính đến thời điểm bài viết 10.2024). Tuỳ vào xuất phát điểm của bạn, ví dụ như trình độ chuyên môn Cao đẳng hay Đại học, đúng chuyên ngành hay không, kinh nghiệm đúng với những gì nhà tuyển dụng đang tìm,… v.v. và ngoại ngữ thì mức lương ban đầu của bạn sẽ khác nhau.

Tuy nhiên, một điều kiện không thể bỏ qua là bạn đang nộp hồ sơ vào công gia công phần mềm hay phát triển sản phẩm, giai đoạn này công ty/dự án đang cần người gấp hay không gấp, công ty nước ngoài hay trong nước, v.v… cũng quyết định phần lớn mức lương khởi điểm của bạn.

Muốn làm tester nên bắt đầu học từ đâu?

Nếu bạn học ngành CNTT và đã được học về kiểm thử phần mềm, ít nhất là Nhập môn kiểm thử phần mềm, thì bạn có thể tham gia các diễn đàn hội nhóm như Testing VN để trau dồi thêm kinh nghiệm thực tế từ anh chị đang làm tester hay chia sẻ và hỏi đáp trên đó. Hoặc nếu có điều kiện, bạn có thể tham gia khoá ISTQB CTFL – do mình dạy chi tiết để nắm vững kiến thức về kiểm thử phần mềm và nâng cao cơ hội thi đạt chứng chỉ quốc tế. Là một điểm cộng so với các CV khác. Hoặc tham gia khoá Restful API Testing để nắm vững cách kiểm thử API cũng giúp bạn được mời phỏng vấn và tự tin tham gia các dự án kiểm thử web và ứng dụng trên điện thoại.

Nếu bạn không học CNTT (hay gọi là “học trái ngành”) thì nên bắt đầu với khoá Fresher Tester. Sau khi hoàn tất khóa học dành cho người mới này, bạn sẽ được trang bị đủ kiến thức, kinh nghiệm, và kỹ năng để làm việc với vai trò kiểm thử viên thủ công (manual tester) ở mức bắt đầu tại bất kỳ công ty nào dù là phát triển sản phẩm (hay gọi là công ty product) hay gia công phần mềm.

Xem thêm nội dung khóa Fresher Tester dành cho người mới ở đây.

Tóm lại, sẽ rất khó tìm kiếm được câu trả lời đúng cho 10 câu hỏi thường gặp trên đây ở mọi hoàn cảnh. Để có câu trả lời đúng, chúng ta cần xem xét thêm nhiều yếu tố khác như về khu vực địa lý mà bạn dự kiến tìm việc, nhu cầu tuyển dụng ở từng thời điểm, và khả năng nắm bắt vấn đề và tự học của bản thân.

You Might Also Like

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *