Kinh nghiệm phỏng vấn Tester, Người thật

Học lập trình ra làm tester

kinh nghiem phong van tester

💚 Dù là tester hay công việc khác, khi chưa đi làm chắc hẳn bạn đều có chung một thắc mắc “Làm thế nào để bước chân vào một doanh nghiệp?” Mới ra trường đang tìm việc hay bạn đang là một tester muốn nhảy công ty thì điều kiện đầu tiên để bước chân vào doanh nghiệp khác đó là “đi phỏng vấn.” Riêng đối với các bạn sinh viên mới ra trường hoặc chuyển ngành sang lĩnh vực IT, buổi phỏng vấn tester đầu tiên sẽ thế nào? Bài viết này mình sẽ chia sẻ về lần phỏng vấn tester đầu tiên của mình. Cho đến bây giờ vẫn còn nhớ như in cảm giác lo sợ, nhiều câu hỏi thách thức, những thiếu sót và nhiều điều mới mẻ học được từ buổi phỏng vấn ấy.

Đã quen di chuyển bằng xe buýt từ thời sinh viên, nhưng chuyến xe buýt chiều hôm ấy lại rất khác. Ngồi trên xe cứ lo lắng không biết lát nữa gặp những anh chị phỏng vấn mình sẽ “bị hỏi” những câu gì, kiến thức phần nào, cảm giác nôn nao như đang ngồi trong phòng thi chờ giám thị phát đề thi hồi tốt nghiệp THPT vậy. Dù đã dành cả tuần vừa rồi để chuẩn bị, có bao nhiêu kiến thức liên quan đến kiểm thử phần mềm, các mẹo phỏng vấn đến từ các nhóm facebook hay trên Youtube đều tham khảo quá trời, nhưng vẫn không thể tự tin được, cứ thấy run dù bản thân biết rằng chuẩn bị kỹ lưỡng này sẽ giúp mình tự tin hơn trong buổi phỏng vấn.

Giới thiệu về bản thân

Đến công ty sớm tầm 15 phút, vì xe buýt nên mình không chủ động được thời gian do đó phải đi sớm. Trong lúc ngồi chờ, mình đã cố gắng lấy lại bình tĩnh và được những anh chị phỏng vấn đó tiếp có phần thân thiện làm mình cảm thấy bớt run. 

Sau khi một chị giới thiệu sơ lược về công ty và vị trí tuyển dụng, thì câu đầu tiên là “để bắt đầu buổi phỏng vấn, em vui lòng giới thiệu về bản thân và tại sao em muốn nộp hồ sơ vào vị trí này!” Mình đã trình bày về một số điểm chính trong hành trình Đại học và điểm qua các tố chất cá nhân mà mình nghĩ rằng phù hợp với công việc tester. 

Một anh hỏi tiếp “Tại sao bạn quyết định theo đuổi công việc kiểm thử mà không phải là lập trình?” Câu trả lời này không phải là theo văn mẫu, nhưng từ đầu mình đã có cảm tình với “công việc cảnh sát” này rồi. Mỗi khi tham gia vào các nhóm bài tập lớn, mình luôn xung phong đảm nhiệm vị trí Khách hàng (đưa ra yêu cầu) và kiêm luôn việc kiểm thử. Cũng lập trình được, nhưng khi ngồi nghĩ ra chức năng cần có và lấy source code của các bạn trong nhóm, kiểm tra các chức năng đó có “giống mình nghĩ chưa” ngay trên máy mình, rồi đề xuất ý tưởng khác mình lại thấy thích hơn. Đa phần các bài tập lớn mình đều là người đứng lên trình bày trước lớp, do mình nắm rõ nhất lý do tại sao làm phần mềm này và nó hoạt động thế nào nên demo (thao tác thực tế trên phần mềm) dễ dàng hơn.

Các câu hỏi phỏng vấn Kỹ thuật

Sau phần trên, còn một số câu hỏi khác xoay quanh lý do tại sao bạn chọn tester và tại sao bạn phù hợp với công việc này, và bản thân mình thích làm việc trong môi trường độc lập một mình hay làm việc với nhóm, thì anh chị phỏng vấn chuyển sang phần hỏi về kỹ thuật.

Bản thân mình nghĩ rằng đây là phần quan trọng nhất để đánh giá một ứng viên có “làm được việc” hay không. Một số câu hỏi mà mình còn nhớ rõ như: 

  • Khi tham gia vào một dự án thì em sẽ viết test case thế nào?
  • Nếu không có tài liệu thì em dựa vào đâu để viết test case?
    (Do mình đã trả lời là dựa vào tài liệu để phân tích nó và viết test case)
  • Em dựa vào đâu để post bug? (là việc báo cáo các lỗi mình bắt được)

Một anh hỏi về test automation, “Em nghĩ gì về kiểm thử tự động cho một phần mềm?” Lúc đó mình cũng thú thật là chưa áp dụng thực tế kiểm thử tự động vào dự án nào, ngoài những bài tập lớn trên lớp, mình nói qua về lý thuyết – kể ra một số ưu điểm và hạn chế của việc tự động hóa quá trình kiểm thử phần mềm như nó giúp mình kiểm thử hồi quy lại các chức năng hiện có trong phần mềm để giảm rủi ro khi sửa chỗ này thì tạo ra lỗi ở chỗ khác. Thách thức lớn của kiểm thử tự động là khi phần mềm thay đổi chúng ta phải cập nhật lại danh sách test case cho tương ứng. 

Ngoài ra trong phần này cũng có một số câu hỏi tình huống (mình nghĩ nó không phải là kỹ thuật kiểm thử nào hết) như “Em sẽ làm gì khi không tái hiện được lỗi vừa mới xảy ra?” Mình không có câu trả lời hợp lý cho câu hỏi này nhưng cũng đã cố gắng suy nghĩ một lúc để trả lời. Kiểu như là “Em sẽ cố gắng tái hiện lại lỗi theo các bước em nghĩ, nhưng nếu vẫn không thể tái hiện thì em cứ mô tả lại các bước đó cho developer (lập trình viên) vì có khi họ sẽ biết lỗi đó liên quan đến chỗ nào.” Mấy anh chị cũng gật gật mà không biết có đúng ý mấy anh chị ấy không nữa 😭

Đánh giá kỹ năng kiểm thử

Phần phỏng vấn kỹ thuật trên kết thúc bằng một bài kiểm tra thực tế. Mấy anh chị phỏng vấn đã chuẩn bị sẵn máy tính, mình được yêu cầu kiểm thử một trang web đơn giản trong vòng 15 phút. Nhiệm vụ cố gắng tìm càng nhiều lỗi hợp lệ (được anh chị chấp nhận) càng tốt.

Trước tiên mình dạo dạo một vòng qua các màn hình. Cứ bấm đại vào các nút và nhập và chọn giá trị hợp lệ cho các hạng mục trên màn hình. Mục đích chính là để xem “trang web này làm cái gì” sau đó thì thử các trường hợp không hợp lệ như để trống các ô bắt buộc nhập, nhập sai định dạng ngày tháng và các giá trị thật lớn thật nhỏ. Dù đã cố gắng nhưng mình chỉ phát hiện được một số lỗi nhỏ về giao diện hiển thị thông tin bị lệch.

Có sẵn một tờ giấy A4 in sẵn bảng để mình liệt kê các lỗi bắt được. Có một số thông tin mình nhớ như Bug ID, Bug Summary, Bug Description. Do lúc đó chưa được học cách báo cáo lỗi một cách chuyên nghiệp nên mình cũng liệt kê các lỗi theo cách rất bình thường, chỉ ghi kết quả thực tế là bị lỗi chứ không biết kết quả mong đợi là gì nên không ghi. Giờ nghĩ lại thấy hồi đó mình hơi lúa.

Trao đổi cuối buổi phỏng vấn

Câu hỏi gần cuối cùng, “nếu em được nhận vào làm, em sẽ đóng góp được gì cho công ty?”

Đã từng gặp câu hỏi này trong quá trình chuẩn bị trước khi phỏng vấn nhưng do bị run nên quên sạch, chỉ nói về khả năng tư duy logic, tinh thần cầu tiến và ham học hỏi sẽ giúp em hoàn thành tốt công việc được giao, giúp bàn giao sản phẩm đúng hạn làm khách hàng hài lòng.

Khi được hỏi “Em có câu hỏi gì cho anh chị không?” thì mình đã tranh thủ hỏi dự án làm về lĩnh vực gì, nhóm tester hiện tại có đông không? Trong công ty có đào tạo hay cho đi học môn gì không? Chỉ biết hỏi vậy thôi chứ cũng không dám hỏi có được xét tăng lương thường xuyên không – Qua quá trình tìm việc mình thấy một số công ty ghi xét lương 2 lần trong năm, và nhiều lợi ích khác như có câu lạc bộ thể thao, bơi lội hay các môn khác.

Chờ kết quả phỏng vấn

Trên đây là buổi phỏng vấn tester đầu tiên của mình, đã kết thúc sau một giờ rưỡi (90 phút) căng thẳng. Mấy ngày tiếp theo là cái tuần dài nhất trong cuộc đời – ngày nào cũng canh điện thoại với email cả inbox và hộp thư rác. Tuy rất hồi hộp và lo lắng về kết quả phỏng vấn nhưng điều an ủi mình duy nhất là dù kết quả thế nào thì mình cũng đã “kinh nghiệm” hơn và nghĩ rằng sẽ đỡ run hơn cho lần phỏng vấn tiếp theo. Cũng tranh thủ viết lại các câu hỏi và tìm cách trả lời từ các hội nhóm và bạn bè.

Sau hơn một tuần mà chưa nghe tin tức gì từ công ty đó, mình nghĩ rằng 99% là rớt rồi. Nhưng một tháng sau, mình nhận được thông báo đã được nhận vào vị trí Fresher Tester. Đó là một tin vui lớn thật sự. Vừa mừng vừa cảm thấy vô cùng hạnh phúc vì đã vượt qua được buổi phỏng vấn tester đầu tiên của mình dù mình nghĩ rằng chắc đây là vé vớt vì thấy thời gian phản hồi hơi lâu. Nếu quay lại thời điểm đó, mình đã chủ động liên hệ HR (có thể qua email, chat, hay tìm số của HR) để hỏi về kết quả phỏng vấn chứ không chờ hơn cả tháng và “nghĩ: chắc rớt rồi.”

Vậy đó, đó là buổi phỏng vấn tester đầu tiên của mình, là một trải nghiệm đáng nhớ. Nó đã giúp mình có công việc hiện tại, dù để tồn tại thì mình vẫn phải học nhiều điều mới mẻ từ kỹ thuật cho đến nghiệp vụ của hệ thống. Để bổ sung kiến thức và kinh nghiệm, mình đã đăng ký tham gia lớp ISTQB CTFL tại Testing VN do anh Sơn dạy. Mình đã đúc kết nhiều bài học từ kinh nghiệm đã làm qua các kiến thức trong lớp và những chia sẻ của anh ấy.

Đối với những bạn mới bắt đầu trong hành trình tìm kiếm và dấn thân vào con đường nghề tester, hy vọng rằng câu chuyện của mình có thể là nguồn động viên và động lực giúp các bạn chuẩn bị tốt hơn trước và trong quá trình phỏng vấn để có được công việc tester mơ ước (tuy có rất nhiều khó khăn nhưng thú vị) và phát triển trong lĩnh vực kiểm thử phần mềm.

Thân!

Nguyễn Đình Hà

You Might Also Like

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *