Người thật

Xe đạp sẽ bị ngã khi nó dừng lại

Xe đạp muốn giữ được thăng bằng, nó phải luôn di chuyển.
Xe đạp muốn giữ được thăng bằng, nó phải luôn di chuyển.

Chào các bạn, mình là học trò cũ khóa Fresher Tester tại Testing VN (TVN) – nếu mà nói rõ khóa thì chắc là đúng một năm mình học khóa đầu tiên luôn đó.

Bài viết này, mình định viết vào đầu năm khi các bạn luôn thắc mắc trong nhóm facebook Testing VN là “Có nên hay không nên chuyển sang nghề Tester?” Đắn đo mãi và cũng làm mình suy nghĩ luôn. Nhưng, khi anh Sơn mở đầu bài viết cho series “Những nẻo đường vượt khó của Tester để thành công” và đọc blogs của các anh chị trái ngành khi bước sang ngành IT, không riêng gì kiểm thử phần mềm thì mình quyết định viết bài này.

Các bạn hãy xem chia sẻ này như là một bài post trên FB cá nhân của mình. Hãy giữ trung lập về phía bản thân, nhưng hãy luôn đảm bảo rằng bạn phải tiến lên phía trước. Như chiếc xe đạp, nếu muốn giữ thăng bằng, nó phải luôn di chuyển về phía trước.

Bạn học trái ngành hay chuyên ngành Công nghệ Thông tin?

Mình là một người học trái ngành, chuyên ngành Tài chính – Ngân hàng. Nhưng đi làm lại là các vị trí khác nhau, nhưng mãi đến năm 2020 thì mới làm việc liên quan đến ngành tài chính.

Và, đây cũng là một điều luôn làm cho các bạn trái ngành lo lắng khi nộp hồ sơ tìm việc Tester. Đó là “khi nhìn vào CV của mình, HR có loại ngay không?” Mình sẽ trả lời ở phần dưới bài viết này nhé.

Lý do để bạn chuyển ngành là gì?

Khi liên hệ tư vấn khoá học, Anh Sơn hỏi “Cho anh biết lý do em quyết định bỏ công việc hiện tại để theo một ngành hoàn toàn mới này?”

Mình sinh năm 1992, đồng nghĩa việc chọn công việc này nó cũng đã quá trễ so với đa số mọi người ở hiện tại, không so sánh với những bạn SV mới ra Trường, và xác suất được tuyển dụng trong ngành này cũng khá thấp, có thể nói 50-50 dù đây cũng là một con số lạc quan rồi.

Sau khi suy nghĩ đắn đo đủ điều, và hầu như ngày nào mình cũng đọc chia sẻ của các anh chị trên nhóm facebook Testing VN. Cuối cùng, mình cũng đã chấp nhận nó. Vì sao? Vì bản thân mình trải qua và hiểu thấu nhiều công việc như: Thư ký, Hành chánh, Nhân Sự, Kế Toán, Marketing, Kinh doanh, Sales, Start-up, Quản lý kho – ngồi liệt kê thấy nhiều dễ sợ (cry) chắc HR cũng sẽ lung lay lắm và bảo là NHẢY VIỆC NHỀU QUÁ… LOẠI @@

Nguyên nhân chính cho quyết định của mình là do tư tưởng hay tính cách của mình và cũng có khi làm công việc đầu tiên là mình ở gần “Mặt trời,” quá nên mình nhận thấy việc “Tự đào tạo bản thân” là đương nhiên. Nó cũng là điều mà, một số người hiện đang rất cố gắng phấn đấu, có người thì không nhận ra. Dù nó mang nhiều hình dáng khác nhau, nhưng cốt lõi của nó chỉ là một mà thôi, tự đào tạo hay đào thải. Có lẽ đây là điều dẫn đến nhiều tranh cãi.

Tranh cãi trong công việc

Tại sao là Tester, mà không phải vị trí khác?

Anh Sơn hỏi, “Tại sao em không chọn làm Lập trình viên (DEV) mà là kiểm thử phần mềm (Tester)? Và “Có ai bảo em nên chuyển sang làm Tester không?”

Mình thích ngành này lâu lắm rồi chắc cũng gần 11 năm. Lúc đó, mình nghĩ có thể sẽ thi rớt ngành Kinh tế. Nhưng cuối cùng lại đậu, số phận . Khi bạn bè cùng lớp cấp 3 của mình học ngành CNTT, mình cũng hay trầm trồ dữ lắm. Và đến một ngày, khi tâm sự với một thằng bạn cấp 3 – hiện là Senior Developer của một Công ty Outsource nổi tiếng ở HCM mà ai cũng biết – thì nó phán: “Thôi mày làm Tester đi. Tester không cần biết code nhưng phải đi học mới làm được. Vì cần phải biết viết test case, kiến thức, và tư duy kiểm thử (testing mindset.) Nghề tester nó không có khó như Dev đâu.” Tuy nhiên, cuộc nói chuyện này cũng đã cách đây khá lâu, đâu đó 2017 á

Bạn bè mình, có đứa cho rằng mình đã suy nghĩ quá lâu, dẫn đến để vuột mất nhiều cơ hội. Có đứa thì nói “mày không đủ can đảm để theo nghề Tester.” Lúc đó, mình chỉ nói một câu là “do mình tham quá.” Từ 2017, mình đi làm luôn suy nghĩ là mình sẽ làm việc này việc kia để đắp qua học Tester và rồi cứ đắp đi đâu cũng không biết nữa, chỉ biết THỜI GIAN qua đi rất nhanh. Mãi đến năm 2020, mình mới quyết định tham gia khóa học Fresher Tester ngay và luôn, không đợi gì nữa cả, bất chấp mọi thứ!

Tại sao bạn chọn TVN? Bạn biết đến TVN từ đâu?

Đó là câu hỏi mà Anh Sơn đã hỏi khi tư vấn khoá học cho mình.

Mình biết đến TVN là do bạn của bạn Dev ở trên giới thiệu đó. Anh đó có nền tảng IT nhưng mới đi nghĩa vụ quân sự về nên cũng chỉ nhớ mang máng thôi, anh ấy bảo học ở TVN đi nhưng phải cố gắng, và không biết thì hỏi, anh chị ở đó nhiệt tình lắm.

Đã kết TVN từ 2017 rồi đó, hầu như lâu lâu vào nghía cái web với fan page TVN để xem thông tin tuyển sinh nhưng lần lựa mãi chưa đăng ký học lỳ dễ sợ. Cái rồi năm ngoái, ngồi kiếm bài để biết Tester giờ ra sao, thì đọc được bài viết Nghề Tester trên trang IT Việc thì gặp đúng bài chia sẻ của anh Sơn. Nên mạnh dạn inbox ngay và luôn, suy nghĩ và chần chờ mãi đã lâu rồi.

Thật ra cái gì xảy ra cũng là đúng thời điểm nó phải xảy ra.

Những khó khăn mà mình đã trải qua

Điều mình gặp khó khăn ban đầu đó là cần một cái máy tính để học. Tuy khoá này không phải buổi học nào cũng cần máy tính. Nhưng cái máy tính hiện có của mình thì cũng hơn 1/3 tuổi thọ của mình rồi (10 năm), nên khi cài MS SQL Server, hay buổi nào mình bận phải ở nhà học online thì trầy trật hoài. Rất mất thời gian và khó khăn cho việc học tập. Khi mở ứng dụng nào lên thì hầu như cũng phải ngồi chờ, có khi còn lâu hơn chờ người yêu đến chở đi uống trà sữa :D, Cũng nhờ vậy mà mình đã luyện được tính kiên nhẫn.

Nhưng, trong quá trình học, mình lại bận một số việc nên phải ở nhà học online, chứ không lên lớp ngồi nữa. Mình đã tải các video quay lại mỗi buổi học về máy, nhưng cũng phải ráng rị mọ để học cho đủ hết các buổi. Thực ra, lúc đó cũng một phần là do mình đang bàn giao công việc sau khi xin nghỉ việc nữa. Thế rồi, đến cuối Tháng 9 mình đã xin học lại (TVN dễ thương lắm, được học lại miễn phí vô điều kiện), học lại  khoá mới, và tham gia lớp mới online Tháng 12 nữa. Tính ra mình đã học một lớp 2.5 lần. Giai đoạn này, mình đã trang bị laptop và dồn sức vào việc học.

Còn về kiến thức kiểm thử phần mềm, thì có thể các bạn đã hiểu rồi đó, nó là cả một bầu trời và đại dương xa xôi, và với người trái ngành như mình, thì mình đã tâm niệm “cái này phải mưa dầm thấm lâu.” Nó không như bên ngành kinh tế, những mảng mình làm thì mình có kết nối cái này với cái nọ nên thích ứng nhanh hơn. Còn đây là ngành kỹ thuật, nên nó 90-10 hoàn toàn mới đối với mình. Nhiều lúc ngồi nghe và phải ghi lại cả hai khoá học thì quả là kì diệu. Qua gần 3 khoá học (dù khoá đầu chỉ học phần nửa đầu) mình nhận ra một điều, ở mỗi khoá anh Sơn giảng anh sẽ chia sẻ thêm nhiều kiến thức mà tại thời điểm đó anh mới học được và sẽ có những ví dụ khác nhau, mình thấy nó hình như hoàn toàn khác nhau luôn á. Nên, mình khuyên mấy trái ngành như mình nên học lại một lần nữa cho chắc ăn. Chắc chắn nó sẽ bớt lửng lơ hơn thôi, chứ theo mình thì việc tự học ở nhà cũng rất quan trọng. Và vào ngành IT này thì tự học là một kỹ năng bắt buộc. Kiên nhẫn và mưa dầm thấm lâu.

Tuy học kinh tế nhưng mình không giỏi tiếng Anh, nên mình cũng đã phải tự học và đã mua app Elsa về học. Hãy chuẩn bị cho bản thân, dù không giỏi nhưng cũng phải hiểu người đối diện đang nói về vấn đề gì.

Bạn đã nhảy việc nhiều như vậy, gia đình và bạn bè có lo lắng không?

Chắc các bạn cũng có thể đoán được, gia đình, nhất là Ba và Mẹ mình rất rất lo lắng và hầu như luôn phản đối mỗi lần mình nghỉ việc này, tìm việc khác (không phải là Công ty khác). Mình không phải thuộc dạng cố chấp, nhưng bản thân mình biết mình muốn gì và không thích gì nên vẫn cứ làm theo ý mình. Và cũng đôi lần nghĩ “mình còn trẻ mà nên cứ thay đổi khi đời còn cho phép.” Nhưng rồi, mình cũng đã (có lẽ đã đến thời điểm) suy nghĩ nghiêm túc về công việc và sự nghiệp. Điều đó giúp mình có trách nhiệm với bản thân và gia đình hơn. Dần dần gia đình cũng tự tin vào quyết định của mình.

Bạn có sợ quá “già” khi làm Tester không?

Năm ngoái, mình có hỏi câu này với: bạn mình, ông anh mình, và anh Sơn. Đa phần câu trả lời có ý nghĩ nôm na là “Gừng càng già càng cay.” Không tự phát triển bản thân, và luôn học hỏi thì không chỉ riêng ngành IT, mà bất kỳ ngành nào bạn cũng sẽ bị tụt lại phía sau. Nên phải tự học thôi, cũng như chiếc xe đạp muốn giữ được thăng bằng, nó phải luôn di chuyển. Cái quan trọng ở đây không phải là tuổi (mình tự nhủ vậy) mà quan trọng là mình có cái gì hơn những ứng viên khác. So với các em sinh Sinh Viên mới ra trường, thì mình hơn cái gì? Chắc chắn một điều là kinh nghiệm và tác phong làm việc.

Và mình nhận ra, cái mình sợ nhất là sợ bản thân. Nên môi trường rất quan trọng trong tư duy và tính cách, trước giờ mình không sợ là quá “già” cho bắt đầu cái gì đó, chẳng qua người ta định kiến nhiều về nó, quy định là này là kia, làm hạn chế con người và dần già đến bản thân mình hạn chế theo. Điều này không phải là tự tin hóa ngông cuồng, mà chẳng qua đó là tư duy tích cực thôi.

Mình cũng hiểu HR họ là người đứng ở giữa, sự quyết định của họ chị chiếm 20%-50% (đây là quan sát của mình qua nhiều lần phỏng vấn tìm việc làm) quyền “có thuê bạn hay không.” Mình cũng đã từng làm ở vị trí tuyển dụng và cũng từng thuyết phục Sếp trường hợp này trường hợp kia, nhưng cuối cùng quyết định là ở Sếp hoặc bộ phận cần tuyển người.

Hiện tại, công việc của bạn như thế nào?

Hiện tại, mình đang ngồi nghe các video khoác học và gõ lại nội dung, mình đã có những con đường để đi tìm việc và trau dồi thêm kiến thức của bản thân. Theo sự tích, táo xanh – táo đỏ, và 7 x 7 = 49 hôm bữa tham gia Webinar, nghe anh Hà chia sẻ. Đây là cũng là lý do, làm mình chần chừ viết bài này. Mình đã nghĩ sẽ viết bài này khi mình tìm được việc, nhưng nghĩ đi nghĩ lại, thì mình quyết định viết ra suy nghi và nhờ anh Sơn chia sẻ.

Bạn có những lời khuyên gì cho những bạn cùng cảnh ngộ không?

Qua kinh nghiệm học tập của mình, các bạn nên viết ra mọi thắc mắc của mình, từng câu một. Sau đó đi tìm hiểu hoặc hỏi trên các diễn đàn. Đọc comment của anh chị và rút ra cho bản thân mình câu trả lời “có nên hay không nên theo con đường làm tester này.” KHÔNG nên suy nghĩ quá lâu như mình, bạn sẽ bỏ lỡ mất nhiều cơ hội. Nghe thì dễ đó, nhưng khi bắt tay vào làm, thấy khó một xíu thì bản thân lại rất dễ bị lung lay.

Bí kíp của mình là tinh thần mạnh mẽ, lạc quan, và nghiêm túc với nó (mãi sau này mới ngộ ra được), tự học và luôn giữ bản thân tiến về phía trước mỗi ngày. Mình tâm đắc hai câu này: 

Live a life you will remember.

Avicii.

If somebody offers you an amazing opportunity but you are not sure you can do it, say yes – then learn how to do it later!

Richard Branson.

Chúc các bạn may mắn!!!

Em xin gửi lời cám ơn chân thành đến Anh Sơn và Chị An đã chia sẻ những kiến thức và kinh nghiệm cho em và các bạn học viên khác tại TVN.

You Might Also Like

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *