Kinh nghiệm học tập

Trái ngành học tester khó không?

Những khó khăn của tester trái ngành
Những khó khăn của tester trái ngành

❤ Đối với mình, lý do của một đứa có nền tảng là tiếng Anh Thương Mại, lại đi học kiểm thử phần mềm là sau 2 năm làm việc trong lĩnh vực Marketing, cảm thấy bản thân thực sự không có hứng thú với nó, mặc dù đã cố gắng kiên trì một thời gian để xác định do bản thân không kiên định hay do thực sự chưa phải là đích đến cuối cùng của mình. Nhưng ngay tại thời điểm này, cũng không thể khẳng định rằng Tester sẽ là lựa chọn cuối cùng trong sự nghiệp của mình. Lý do duy nhất mình quyết định tìm hiểu và tham gia một khóa học tester là muốn thử thách bản thân và thử xem đâu là cái phù hợp với mình.

Cá nhân mình cho rằng, chỉ có tự mình trải nghiệm thì mới biết bản thân đang cần gì và phù hợp với gì. Vì vậy, mình quyết định lựa chọn một khóa học Fresher Tester tại Testing VN là nơi để mình bắt đầu. Ngoài tiếng Anh là một trong những lợi thế của mình, thì tư duy phát triển (growth mindset) giúp mình luôn phấn đấu, học hỏi và tiếp thu kiến thức mới liên tục. Mình nghĩ rằng bản thân mình có thể học và làm được nhiều thứ khác nữa.

Không ngoài dự đoán, những bạn trái ngành như mình sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi muốn tiếp cận công việc trong “ngành tech” này, và cụ thể là kiểm thử phần mềm. Ở đây mình không đề cập đến những khó khăn trong quá trình tìm trung tâm đào tạo tester để theo học, vì mình làm tàu ngầm trong nhóm facebook TESTING VN cũng cả năm rồi, bài này mình tập trung vào một số khó khăn mà mình gặp phải trong thời gian tham gia khóa Fresher Tester.

Về kiến thức chuyên môn, sau khi tham gia lớp Fresher Tester tại Testing VN, mình  nhận ra rằng Kiểm thử phần mềm tuy không phải là công việc trực tiếp tạo ra (phát triển) phần mềm nhưng trong quá trình làm việc với nhóm (development team) thì mình cũng phải tham gia các buổi họp, trao đổi về kỹ thuật giữa các thành viên trong nhóm bao gồm Developer (Lập trình viên), DevOps (Vận hành hệ thống), Product Manager (Quản lý dự án), Tester (Kiểm thử viên), và có thể nhiều vai trò khác nữa. Vì thế, thực sự vẫn cần kiến thức nền tảng về công nghệ thông tin, ít nhất là những kiến thức cơ bản như về cách hoạt động của hệ thống phần mềm, để có thể bắt kịp và phát hiện rủi ro trong tài liệu thiết kế hay mô tả yêu cầu, và những gì được trao đổi trong buổi họp.

Mình còn nhớ cảm giác “hoang mang” sau buổi học về “Hệ quản trị cơ sở dữ liệu và các câu lệnh SQL cơ bản.” Có thể đối với những bạn học chuyên công nghệ thông tin thì ổn, chứ mình thì có quá nhiều thuật ngữ mới. Mình đã phải dành thêm thời gian trong tuần đó để cài đặt chương trình MS SQL Server, tạo database mới từ bản sao lưu do giáo viên cung cấp, sau khi chạy câu truy vấn đầu tiên “SELECT * FROM LopHoc” nó hiện ra danh sách các lớp học mà mừng gì đâu luôn, và cảm giác như mình làm được điều gì đó rất to lớn. Phần nào giúp phá vỡ cái “hàng rào vô hình” mang tên “khó lắm.”

Còn một cái khó khăn nữa mà mình chắc rằng những bạn tester trái ngành như mình sẽ gặp phải, đó là “đọc hiểu tài liệu mô tả kỹ thuật” (hay gọi là spec hay SRS – Software Requirement Specification). Tài liệu ví dụ trên lớp không nhiều, nhưng vì lần đầu tiếp xúc những loại tài liệu này, nó thật sự khó hiểu. Thứ nhất là rất nhiều từ tiếng Anh chuyên ngành phát triển phần mềm như personas, authentication, permission, v.v… Thứ hai là các loại tài liệu mô tả chi tiết về “mapping” (kết nối) giữa các thành phần trên giao diện và các trường dữ liệu (field) trong API response (kết quả trả về khi gọi API). Và điều thứ ba là cách sắp xếp/quản lý của dự án và cấu trúc tài liệu. Nếu đọc tài liệu từ trên xuống (từ trang 1 đến trang thứ N) sẽ không hiệu quả. Bạn phải biết cấu trúc của nó, ví dụ phần 1 mô tả tổng quan về giao diện (UI), phần 2 mô tả quyền, phần 3 mô tả chi tiết từng phần, phần 4 mô tả database liên quan, v.v… Chị An nói “tài liệu mô tả kiểu này là vì muốn gói gọn mọi thứ vào một cho tiện trong phạm vi lớp học, chứ trên thực tế thì tài liệu sẽ có nhiều loại tài liệu nằm ở khắp nơi, mình phải tìm hiểu để biết khu vực (thư mục) nào sẽ chứa tài liệu gì.” Sau một thời gian tiếp xúc các tài liệu tham khảo do khóa học cung cấp, và dành thời gian tìm thêm các tài liệu mô tả yêu cầu mẫu trên mạng để đọc làm quen, giờ mình đã quen dần với các thuật ngữ hơn.

Khi bạn tìm tài liệu mẫu trên Google

Ngoài những khó khăn trên, khả năng tiếp thu sự tiếp nhận kiến thức mới của mỗi con người cũng là một vấn đề lớn. Vì đây là một ngành hoàn toàn mới, đối với bản thân mình, thực sự trước đây (lúc chọn ngành Đại học) chưa từng nghĩ đến công việc trong ngành công nghệ thông tin, nên việc nạp một lượng kiến thức mới và nhiều vào lúc này là một điều không hề dễ dàng. May mắn là mình cũng không phải quá chậm, hiểu hết mọi bài học nhưng giờ mình vẫn đang miệt mài thực hành để thấm và biến kiến thức học được thành kỹ năng và kinh nghiệm. 

Bên cạnh đó, xuất phát điểm của mình chậm hơn các bạn học công nghệ thông tin nên mình phải nỗ lực hơn các bạn học ngành IT nhiều, chắc gấp đôi may ra không bị đồng nghiệp (trong tương lai) bỏ quá xa. Tuy nhiên, mình cũng có một số thuận lợi hơn so với các bạn học chuyên ngành công nghệ thông tin. Thứ nhất là ngoại ngữ. Ngày nay nhiều trường ĐH CNTT có đào tạo tiếng Anh tốt, các bạn cũng phải có Toeic ít nhất 650 điểm để ra trường. Nhưng mình thì học chuyên về Ngôn ngữ Anh nên tiếng Anh mình khá tự tin, có thể trao đổi công việc với khách hàng nước ngoài cả bốn kỹ năng. 

Trên đây là một số khó khăn bản thân mình gặp, không chắc mọi người trái ngành đều gặp nhưng ít nhất mình hi vọng phần nào trả lời giúp các bạn đang mông lung trong việc tìm hiểu về kiểm thử. Nên nhớ là tester trái ngành không hề dễ như mọi người hay nói nha. Tuy nhiên, bản thân mình tin rằng: It works if you work it (tạm dịch: nếu cố gắng sẽ thành công).

Nguồn: mình mượn tạm trên internet

Cảm ơn anh Sơn và chị An đã tận tình giảng dạy cho bọn em những kiến thức trọng tâm. Sau gần 3 tháng tham gia lớp Fresher Tester, em đã nắm được hầu hết các kiến thức và kỹ năng cần thiết cũng như hiểu rõ vai trò của Tester trong một nhóm phát triển phần mềm. Em đã sẵn sàng cho hành trình mới.

Ngoài ra, anh chị còn hướng dẫn những vấn đề khác như trả lời phỏng vấn, những tình huống khó xử,… nhất là chị Trang tư vấn nhiệt tình và chi tiết trước khi mình quyết định đăng ký học.

Một lần nữa em cảm ơn anh Sơn và chị An rất nhiều!!!

🍀🍀🍀

P/S: em xin bổ xung một cái khó khăn nữa mang tên “API testing”

Cảm giác hoang mang không còn nữa khi qua bài “API testing” (kiểm thử API cơ bản) nhưng cũng rất khó để mình hiểu tại sao phải vào devtools trên trình duyệt, rồi copy cURL để “import” vào Postman để có thể có được thông tin thao tác với API. Dần dần mình cũng hiểu là thay vì dựa vào tài liệu mô tả API để mình lấy endpoint (cái URL trỏ đến một API), và các thông tin headers, parameters cần thiết, thì mình có thể copy từ trên website (nếu nó đã được lập trình rồi) để tiết kiệm thời gian. Sau đó mình sẽ test GET, POST, PUT,… gì đó dựa vào tài liệu mô tả yêu cầu cho những API này (nếu cần kiểm thử nó). Ít nhất sau những buổi học về SQL hay API, mình giờ cũng đỡ sợ khi nghe đến chúng hoặc khi xem mô tả công việc (JD – Job description) trên các trang/nhóm tuyển dụng.

You Might Also Like

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *